Xuất bản bản đồ hành chính Tỉnh Bến Tre còn quá nhiều sai sót
| 06-03-2013Trên tay tôi hiện đang cầm tờ “BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH BẾN TRE”, tỷ lệ 1:100 000 (tức là 1 cm trên bản đồ tương đương 1 km ngoài thực địa), với các thông tin xuất bản như sau:
1. Cơ quan chủ trì: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN BẾN TRE.
2. Cơ quan thực hiện: TỔNG CÔNG TY SÁCH VÀ THIẾT BỊ BẾN TRE.
3. Thông tin về nhà xuất bản:
NHÀ XUẤT BẢN BẢN ĐỒ
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ts. LÊ PHƯỚC DŨNG
Tác giả: ĐOÀN ĐÌNH KIÊN
SĐKHXB: 76-1677/XB-QLXB. Cấp ngày 05/12/2002.
Kích thước: 79x109 cm. Số lượng in: 4000 bản.
In tại: XÍ NGHIỆP BẢN ĐỒ ĐÀ LẠT.
In xong và nộp lưu chiểu tháng 12 năm 2002.
Kính thưa quý độc giả! Chắc hẳn mọi người cũng đã biết với một tờ bản đồ “hành chính” có tỷ lệ 1/100000 thì cần phải có độ chính xác về các tên gọi địa danh trên bản đồ là rất cao. Tuy nhiên, tờ bản đồ trên tay tôi đang cầm đây lại ngược với điều ấy. Tôi đã dành trọn nửa ngày để xem xét bản đồ này và thấy có quá nhiều sai sót đến mức không thể chấp nhận được đối với một bản đồ hành chính có tỷ lệ như trên, cụ thể tôi sẽ nêu lên một vài chỗ sai mà tôi phát hiện như sau:
1. Xem trên khu vực huyện Giồng Trôm:
- Xã THẠNH PHÚ ĐÔNG bị in thành “THẠCH PHÚ ĐÔNG” to tổ chảng;
- Xã TÂN THANH bị in thành “TÂN THẠNH”cũng to không kém;
- Trong xã TÂN LỢI THẠNH thì:
• ấp Giồng Đồng được in thành “Giồng Đông”;
• sông Giồng Lực được in thành sông “Dòng Lúc”;
• sông Bàu Lò (ranh giới giữa xã Tân Lợi Thạnh và Hưng Lễ) được sửa thành sông “Bờ Lò”;
- Trong xã HƯNG NHƯỢNG thì:
• sông Cầu Đập được biến thành sông “Cầu Dập”;
• ấp Bàu Dơi (thực chất là ấp 6): chỉ in là Bàu Dơi, còn “ấp 6” thì hiến tặng cho xã Hưng Lễ kế bên.
- Trong xã HƯNG LỄ thì:
• Xã Hưng Lễ chỉ có các ấp từ 7 đến 12, vậy mà trong bản đồ lại có thêm “ấp 6”;
• Vị trí địa lý giữa các ấp 7, 8, 10 bị phân chia sai; khu vực đáng lẽ chỉ có ấp 8 và 10 thì lại có thêm ấp 6 và 7 chen vào. Thật là quá vô lý!
2. Xem trên khu vực huyện Châu Thành:
- Xã QUỚI THÀNH được in thành “QƯỚI THÀNH”. Khá khen cho bộ phận sắp chữ!
- Vị trí địa lý của Cầu Rạch Miễu so với Cồn Phụng và Cồn Thới Sơn là không đúng. Theo như bản đồ thì Cầu rạch Miễu chỉ cắt ngang Cồn Thới Sơn, không cắt Cồn Phụng. Trong khi đó ngoài thực tế thì Cầu Rạch Miễu cắt ngang Cồn Phụng và từ vị trí cắt này hướng về phía Tây Tây Nam khoảng 600m nữa mới hết đầu cồn. Ngoài ra, nếu tính theo tỷ lệ lớn nhỏ về kích cỡ lẫn hình dạng thì Cồn Phụng phải to hơn và phải kéo dài hơn về hướng Tây Tây Nam dọc theo sông Tiền.
3. Trên khu vực thành phố Bến Tre:
Khu vực xã Sơn Đông: có một con kênh đào với tên gọi “Kênh Xáng” (cắt ngang quốc lộ 60 hướng về Cầu Mỏ Cày), nhưng trong bản đồ in là “Kênh Sáng”.
4. Trên khu vực huyện Thạnh Phú:
Xã AN QUY được cải tiến thành “AN QUI”, trong khi đó trên BẢNG DIỆN TÍCH DÂN SỐ phía góc trái, bên dưới bản đồ vẫn in đúng là “An Quy”. Cần phải lưu ý rằng hai chữ “i” và “y” là hoàn toàn khác nhau nên không thể dùng lẫn lộn được. Nếu cho rằng dùng chữ nào cũng được thì điều đó đồng nghĩa với việc công nhận bảng chữ cái Tiếng Việt chỉ có 28 chữ cái, công nhận “i” và “y” đều như nhau, không hiểu gì về tên địa danh và cũng nói lên sự dốt nát của mình về luật ngữ pháp và chính tả tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ!). Sẵn tiện nói luôn: cái câu “BẢNG DIỆN TÍCH DÂN SỐ” xét về ngữ pháp tiếng Việt cũng trật luôn! Cần ghi rõ là “BẢNG DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ” hoặc “BẢNG DIỆN TÍCH, DÂN SỐ” thì mới đúng (tôi thấy khoảng trống hai bên câu này còn thừa để chèn thêm chữ “VÀ”).
Tạm thời, tôi chỉ nêu lên bao nhiêu đó thôi. Thật sự thì tôi cũng không biết hết tất cả các địa danh trong toàn tỉnh nên chưa thể kê hết ra những sai sót, nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng còn rất rất nhiều sai sót mà tôi chưa phát hiện! Bao nhiêu đó cũng đủ để nói lên sự thiếu trách nhiệm rồi! Cụ thể ở đây, trách nhiệm không phải do một cá nhân mà là có sự liên đới lẫn nhau: từ khâu đo đạc địa chính, khảo sát địa hình, chụp hình địa lý, thống kê và thu thập thông tin không chính xác; cơ quan chủ trì không theo dõi và kiểm tra tính chính xác trước khi duyệt; cơ quan thực hiện lại thiếu trách nhiệm, không kiểm tra trước khi chuyển cho xí nghiệp in; sau khi in xong cũng không rà soát lại trước khi cho phép phát hành. Nói chung, toàn bộ dây chuyền từ khâu khảo sát đến xuất bản đều thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra.
Sở dĩ tôi nói lên điều này là vì tại thời điểm in bản đồ (năn 2002), tỉnh Bến Tre chúng ta đã và đang từng bước phấn đấu về tất cả các lĩnh vực (văn hóa, y tế, học đường, kinh tế,…) để tiến lên đô thị loại ba. Thế nhưng, chỉ có việc xuất bản một bản đồ hành chính cho tỉnh nhà mà làm còn không xong thì nói gì đến những chuyện khác? (xin lỗi độc giả nhé, tôi nói thẳng vì tôi bức xúc lắm!). Có lẽ trong 4000 tờ bản đồ xuất bản này, sẽ có một lượng lớn đang được treo tại các cơ quan như: UBND các cấp; các sở, ban ngành, đoàn thể, hiệp hội, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân,… trong toàn tỉnh (thâm chí là khắp cả nước). Hiển nhiên, với những ai biết thì không sao, còn những ai không biết thì cứ đinh ninh bản đồ này in đúng vì do UBND tỉnh chủ trì in ấn mà!
Thông qua bài viết này, tôi kính chuyển đến các quý cơ quan, các tổ chức và cá nhân có tham gia trong quá trình biên soạn và xuất bản bản đồ này nên cần ngồi lại để họp bàn, xem xét, tìm cách khắc phục. Theo ý kiến của riêng tôi (là một người con của quê hương đồng khởi) thì nên chỉnh lý lại tờ bản đồ trên và cho xuất bản lại, điều đó cũng nói lên được rằng tỉnh ta đang từng bước phát triển, biết tiếp thu ý kiến người dân, thấy được thiếu sót và biết khắc phục kịp thời.
Xin lưu ý: tại thời điểm tôi viết bài này thì Công ty sách và thiết bị Bến Tre vẫn còn đang phát hành loại bản đồ này. Nếu quý vị nào không tin thì có thể tới đó để kiểm chứng! (địa chỉ: đầu đường Đồng Khởi, ngay vòng xoay chợ Bến Tre).
Rất cảm ơn quý độc giả cùng chia sẻ với tôi qua bài viết này. Xin chân thành cảm ơn!
Tác giả: Đoàn Hữu Huấn