Vài ý kiến về đặt tên đường phố
| 26-09-2020Nhân chuyện tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều tên đường viết sai tên nhân vật lịch sử và còn rất nhiều đường phố chưa đặt tên, tôi mạn phép có một số ý kiến nhỏ.
Thực ra, chuyện đặt tên đường phố cũng đã được nói đến nhiều và bàn nhiều. Có đủ các cấp, ngành và các nhà khoa học tham gia nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa có "quy chuẩn" thống nhất, việc áp dụng các quy định của Nghị định số 91/2005/NĐ-CP, Quyết định Số 05/2006/QĐ-BXD cũng chưa thống nhất.
Việc thống kê ra 38 tên đường đặt sai tại TP. Hồ Chí Minh cũng cần chỉ ra trách nhiệm của cơ quan quản lý (kể cả trách nhiệm của những người có liên quan) vì điều này nhìn thấy rất rõ hàng ngày (nhưng hầu như mấy chục năm nay không có ai đặt ra).
Theo tôi, trước hết phải thống nhất với nhau rằng: Tên đường phố phải được viết bằng TIẾNG VIỆT CHUẨN (tên nước ngoài được phiên âm, chuyển ngữ). Không thể giải thích rằng vì là ngôn ngữ địa phương nên có thể viết khác đi như bài viết Vì sao 38 tên đường ở TP HCM bị đặt sai? trên https://vnexpress.net. Phải hiểu đúng quy định tại Điều 5 Nghị định Số 91/2005/NĐ-CP là chỉ không đổi tên những tên đường phố, công trình không phải là tên nhân vật lịch sử, còn những tên nhân vật sai do phát âm cũng cần phải sửa triệt để, vì bất luận kiểu gì cũng là sai không thể nói rằng đó là thói quen hoặc do phát âm tiếng địa phương. Tên người phải theo đúng tên gốc, tên thường gọi hoặc tên gọi kiểu dân gian (phố Bà Triệu). Tuy nhiên, do thói quen, ở các tỉnh phía Nam thường đặt tên với danh từ chung là "đường", ví dụ: Đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Nguyễn Văn Trỗi... Mặc dù đường và phố là hai khái niệm khác nhau. Trường hợp này thì không phải sửa tên trong địa chỉ (vì nhiều khi chỉ viết tắt, không ghi rõ phố hoặc đường). Tại Nghị định Số 91 cũng có khái niệm riêng về Đường và Phố.
Cách viết ngõ, ngách cũng quy định không thống nhất: Hà Nội quy định viết ngách trước, ngõ sau (VD: Số nhà 2, ngách 175/5, phố Định Công có nghĩa là nhà số 2, ngách 5, ngõ 175), một số nơi lại quy định ngõ trước, ngách sau, không theo quy định tại Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.
Một số ý kiến cho rằng sẽ phải làm lại hết các giấy tờ có liên quan khi đổi tên đường phố. Thực ra giấy tờ không cần làm lại mà trong cơ sở dữ liệu chỉ cần có thêm thông tin địa chỉ cũ, địa chỉ mới, vì thực chất hiện nay hầu hết các giấy tờ cũ như giấy khai sinh, hộ khẩu, CMND, bằng lái xe... vẫn dùng địa chỉ cũ nhưng có ai đi làm mới lại đâu.
Theo tôi, nên đặt tên đường theo cả bằng tên, bằng số và kết hợp số và chữ cái. Nếu đặt bằng số nên quy định số cho quận, từng khu. Ví dụ: Quận 1 của TP HCM sẽ có số bắt đầu bằng số 1, sau đó chi tiết từng khu vực trong Quận sẽ là 1A, 1B, 1C... Tương tự Quận 2 sẽ bắt đầu là số 2, chi tiết từng khu vực trong Q2 sẽ là 2A, 2B, 2C... Còn nếu sợ thiếu sẽ thêm 1C1, 1C2, 1C3... Kho tên đường như vậy sẽ không bao giờ thiếu... Như vậy việc tìm đường rất dễ dàng vì chỉ cần nhìn địa chỉ đã biết đường phố đó thuộc khu vực nào rồi. Các con đường lớn, quan trọng thì phải đặt bằng tên nhưng tránh tình trạng đặt tên như hiện nay như Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2... vì sẽ rất kỳ khi đó là tên nhân vật, chẳng lẽ lại đặt Bà Triệu 1, Bà Triệu 2, Bà Triệu 3...
Tôi nghĩ, không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà tất cả các đô thị trên cả nước đều phải rà soát, thống nhất cách, quy trình dặt tên đường, phố đảm bảo chính xác, khoa học, hợp lý.
NVT