Thực trạng công tác địa danh của Việt Nam
| 23-10-2013Từ lâu, công tác địa danh đã được các cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hội đồng chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, các báo, đài truyền hình, đài phát thanh... quan tâm và đề xuất, ban hành các quy định về chính tả, cách viết địa danh trong các văn bản, tài liệu và sử dụng trong công việc của mình.
Tuy nhiên, các quy định này thường chỉ là tạm thời, có hiệu lực giới hạn trong một lĩnh vực, một phạm vi quản lý hoặc một ngành, không đủ căn cứ bắt buộc thực thi một cách chặt chẽ và thống nhất trên mọi lĩnh vực cho toàn xã hội.
Đặc biệt là các văn bản này có nhiều quy định không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Chính vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu có rất nhiều cách ghi, cách đọc địa danh trong nước và nước ngoài rất khác nhau. Các vấn đề khác nhau cơ bản là:
- Không thống nhất về cách phiên âm, cách ghi các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Đắc Lắc, Đăk Lăk, Đắk Lắk, ĐắkLắk, Đăk lắc, Đak Lak, ĐakLak, Dak Lak; Pờ Lây Cu, Plây Ku, Plei Ku, PleiKu; Kon Tum, Kontum, Công Tum. Địa danh Buôn Ma Thuột cũng có rất nhiều bản đồ, văn bản của các cơ quan trong tỉnh sử dụng không thống nhất (Buôn Ma Thuật, Buôn Mê Thuột, Ban Mê Thuột, Ban Ma Thuật...). Thậm chí, tại Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2010 về việc nâng cấp đô thị, thành phố Buôn Ma Thuột lại được gọi là thành phố Buôn Mê Thuột.
- Không thống nhất cách viết danh từ chung địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số: đăk Krông, sông Đăk Krông; nậm La, suối Nậm La; bảnViết, xóm Bản Viết; khau Cà, núi Khau Cà, phu Hán, núi Phu Hán, núi Thọ, núi Thọ Sơn...
- Không thống nhất về cách viết hoa địa danh có một âm tiết: sông Hồng, Sông Hồng;sông Chảy, Sông Chảy; vũng Rô, Vũng Rô;
- Không thống nhất về cách viết tắt: TP. Hồ Chí Minh, T.P. Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, T.P Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Không thống nhất về cách viết địa danh là số: quận 1, Quận 1, quận Một, quận Nhất; đường 3 tháng 2, đường 3-2, đường Mồng Ba Tháng Hai...
- Không thống nhất cách viết tắt và tên ghép: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu; Thừa Thiên – Huế, Thừa Thiên Huế; đài Phát thanh Truyền hình, đài Phát thanh – Truyền hình, đài Phát thanh và Truyền hình...
- Địa danh không viết theo quy định chính tả Tiếng Việt: Bắc Kạn, Đắk Lắk, Chêk Chrum, Nô Pok...
Thậm chí, tên địa danh Việt Nam khi viết trong các văn bản tiếng nước ngoài cũng rất khác nhau: Việt Nam, Viet Nam, Vietnam; Hà Nội, Ha Noi, Hanoi, mặc dù Liên hợp quốc đã có quy định cụ thể (Việt Nam - Viet Nam, Hà Nội - Ha Noi).
Do đó, làm cho người đọc, người nghe gặp nhiều khó khăn khi xác định các địa danh, tên riêng được đưa ra. Điều này đặc biệt khó khăn đối với người nước ngoài.
Đồng thời, hiện nay còn rất nhiều địa danh không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc (VD: đường Cựu chiến binh không rác, đường Kênh 19/5, đường Bên hông Trường Mầm Non, đường Bờ Bao Tân Thắng, đường Điện Cao Thế, đường Nhà Kho Pepsi,đường Suối Bà Cường, cầu Xẻo Bướm...)không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng và tác động xấu trong xã hội cần phải đổi tên.
Mặt khác, công tác đặt tên các thôn, xóm, đường phố và các đối tượng địa lí khác cũng chưa đảm bảo các nguyên tắc, nhiều khi còn tùy tiện, chưa có sự nghiên cứu đầy đủ để đề xuất cho phù hợp. Thậm chí, một số địa danh đặt tên nhân vật lịch sử nhưng lại không thể hiện đúng tên nhân vật trên biển hiệu nhưng vẫn sử dụng. Ví dụ: đường Kha Vạn Cân (tên đúng: đường Kha Vạng Cân), đường Sương Nguyệt Ánh (tên đúng: Sương Nguyệt Anh)... tại TP. Hồ Chí Minh. Đường Trần Khát Chân (Hà Nội) nhưng lại có tên Trần Khắc Chân tại TP. Hồ Chí Minh...
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh còn gần 2 000 đường cần đặt nhưng quỹ tên đường chỉ còn lại 200. Các thành phố khác cũng còn nhiều khó khăn, bất cập về tên đường, tên các công trình công cộng mới xuất hiện hoặc cần đổi tên.
Đối với các địa danh nước ngoài, việc ghi, phát âm địa danh còn nhiều vấn đề cần phải xem xét. Ngay trong các văn bản, thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao cũng còn nhiều mâu thuẫn về cách ghi địa danh nước ngoài (thậm chí tên các quốc gia) hoặc tên người trong các bài viết (viết nguyên dạng tiếng Anh như Malaysia, Philippines, Myanmar, Australia; nhưng đồng thời lại vẫn tồn tại cách viết phiên âm như Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Mi-an-ma, Mianma, Ca-dắc-xtan, Na-uy...).Trên trang tiếng Anh, trong cùng một bài viết, tên nước Việt Nam được viết bằng cả hai cách Viet Nam và Vietnam. Có thể nói rằng, trang web hầu như không có quy định hoặc khồn kiểm soát về cách viết địa danh và tên riêng nước ngoài. Chuyện này cũng xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị khác ở trong mọi lĩnh vực.
Nếu nhà nước không có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời thì trong quá trình sử dụng sẽ ngày càng xảy ra nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống, sinh hoạt và ngoại giao.
NVT