Địa danh Việt Nam có thành tố "Bến"
| 13-04-20141. Theo số liệu sưu tập chưa thật đầy đủ, trong địa danh Việt Nam có ít nhất 40 đơn vị có thành tố Bến ở trước. Bến là chỗ bờ sông, thường có bậc lên xuống để lấy nước, tắm giặt. Bến còn là nơi quy định cho tàu thuyền, xe cộ dừng lại để hành khách lên xuống, xếp dỡ hàng hoá.
2. Thành tố đứng sau có thể chia thành nhiều nhóm, như tên người, tên cây, tên công trình xây dựng…
2.1. Thành tố sau chỉ tính chất, chúng tôi mới tìm được một địa danh.
Bến En là vườn quốc gia bảo tồn rừng ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá, diện tích 16.634 ha. Bến En là “bến lạnh”. Tiếng Việt có thành ngữ: “Run en phát rét”.
2.2. Thành tố thứ hai là một yếu tố ghép
Bến Thủ là huyện cũ của tỉnh Long An, được lập ngày 11 – 3 – 1977 do nhập hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa; đến ngày 14 – 1 – 1983 lại tách thành hai huyện như cũ. Bến Thủ là tên ghép chữ đầu của hai huyện [5].
2.3. Thành tố sau chỉ tên các con vật có mặt trong hai địa danh.
Bến Trâu là rạch ở phường 14, quận Sáu, tp. HCM, dài 1.400m. Tại rạch này có một bến nước trước đây người địa phương thường thả trâu xuống tắm.
Bến Nghé là tên một khúc sông Sài Gòn chảy qua tp. HCM. Bến Nghé là nơi trâu thường ngâm mình ở đây.
2.4. Yếu tố đứng sau có thể là tên các địa hình nơi ấy.
Bến Đầm là khu công nghiệp và dịch vụ cảng ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bến Đầm là “bến tại đầm nước”.
Bến Ghềnh là cầu trên quốc lộ 21, tỉnh Khánh Hoà, dài 167,8m. Bến Ghềnh vì tại bến này có một cái ghềnh.
Bến Hải là tên sông chảy giữa hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, dài 65km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ra biển Đông tại cửa Tùng. Bến Hải cũng là tên huyện cũ của tỉnh Quảng Trị, do nhập ba huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh ngày 11 – 3 – 1977, đến các năm 1990 – 1991, lại tách ra thành ba huyện như cũ. Bến Hải nửa thuần Việt nửa Hán Việt, nghĩa là “bến ở gần biển”. Âm gốc là Bến Hói (bến ở gần hói nước) [6]. Thuyết này có lý vì để ghi chữ Hói, người ta phải mượn âm chữ Hải [5].
2.5. Tiếp theo, thành tố sau có thể là tên các công trình xây dựng ở gần đối tượng.
Bến Cầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 233,3 km2, dân số 59.000 người (2006), gồm một thị trấn và 8 xã. Tên huyện ra đời năm 1961. Bến Cầu là “bến nằm cạnh cái cầu”.
Bến Dựa là địa điểm ở làng Bình Thuyên, tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang. Bến Dựa vốn là Bến Vựa, vì tại bến này có vựa chứa hàng trước khi chuyển vào chợ Thuộc Nhiêu [5].
Bến Đình là địa điểm đậu thuyền ở tp. Vũng Tàu. Sau vì khi thuỷ triều xuống, ghe thuyền không vào được nên bỏ. Bến Đình, vì “bến ở gần đình làng Thắng Nhì”, Vũng Tàu.
Bến Đình cũng là vùng đất ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, tp. HCM. Bến Đình là bến sông Soài Rạp, gần bến có một ngôi đình thờ ông Dương Văn Hạnh, một phó xã ở làng Lý Nhơn, kiên quyết không chỉ nơi ẩn núp của Trương Định nên bị Pháp chém đầu. Trong đình còn hai câu đối:
Kim trung báo chủ tâm hà cải;
Bỉnh tiết thù dân chí bất suy.
(Kiên trung báo chủ lòng không đổi;
Khí tiết vì dân chí chẳng suy).
Bến Kho là địa điểm ở khu Đồng Quan, làng Hoà Thuận, nay thuộc xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bến Kho vì dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức, ông Trâu Văn Điền, nhờ thế lực của người cô, được chọn làm quản lý khu Đồng Quan, làm kho chứa lúa tại đây trước khi nộp cho triều đình [11].
Bến Thành là chợ ở quận 1, tp. HCM. Trước kia gọi là chợ Bến Nghé, vì vào đầu tk. 19, chợ nằm sát bến Bạch Đằng nay. Cuối tk. 19, chợ được dời đến trên bờ kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ nay). Năm 1870, chợ bị cháy. Năm 1911, chợ dời về vị trí hiện nay, đến tháng 3 – 1914 thì khánh thành. Bến Thành vì ban đầu chợ nằm gần bến Nghé và thành Gia Định [4].
2.6. Yếu tố sau có thể là tên người hoặc thần thánh.
Bến Dược là vùng đất ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, tp. HCM, rộng 200ha. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dân địa phương đã đào nhiều đường hầm dưới lòng đất (địa đạo) dài hàng trăm cây số để đánh địch. Bến Dược do bến Bà Dược (tại đây có xóm Bà Dược) rút gọn mà thành [4].
Bến Giằng là thị trấn của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Bến Giằng có lẽ nói tắt của bến Giằng Xay. Giằng xay là tên một loại cây, dùng làm thuốc dân tộc. Hoặc Giằng là biến âm của Giàng, tiếng dân tộc, nghĩa là “thần”, vì nơi đây có sông Giàng, huyện Giàng [5].
Bến Hiên vừa là bãi bồi vừa là thị trấn thuộc huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam. Bến Hiên là dạng rút gọn của bến Ông Hiên, người đầu tiên đến đây khai phá, dựng nhà, là nơi gửi hàng hoá của người Kinh để trao đổi với đồng bào Cơ Tu [9].
Bến Ma là cầu bắc qua sông Vũng Bầu, ở tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Bến Ma là nơi tương truyền trước đây có nhiều ma [10].
Bến Quân là hồ ở xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Bến Quân, vì nơi đây quân Tây Sơn từng đóng trại khi ra Bắc đánh quân Thanh [2…, 688].
2.7. Thành tố sau chỉ những hoạt động của con người.
Bến Bối là rạch ở quận Bình Thạnh, tp. HCM, dài độ 700m. Bối là “ăn trộm trên sông”. Có lẽ tại bến này trước kia có nhiều kẻ trộm trên sông.
Bến Đổi là địa điểm nay thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Cũng gọi Trường Đổi. Bến Đổi là “nơi trao đổi hàng hoá giữa người Việt và người Chăm” lúc quân Pháp mới xâm chiếm vùng này [3, 83 – 84].
Bến Kéo la địa điểm thuộc xã Long Thành, tỉnh Tây Ninh, trên quốc lộ 22, cách tỉnh lỵ 8km. Vì trước kia đường sá khó đi nên hàng hoá từ Sài Gòn chở đến đây phải tập trung lại để thuê xe bò chở tiếp. Bến Kéo là “bến tập trung xe để kéo hàng” [3, 66].
Bến Lội là cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua suối Chai và suối Sâu, ở tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, dài 37,8m, mới xây trước năm 1975. Bến Lội còn là địa điểm nằm sát bờ biển, thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì nơi đây nước cạn, có thể lội qua suối dễ dàng [7;8].
Bến Ngự là vùng đất thuộc các phường Phước Vĩnh, Vĩnh Ninh, Trường An, tp. Huế. Nơi đây, Cụ Phan Bội Châu, một nhà ái quốc, bị thực dân Pháp giam lỏng trong thời gian 1925 – 1940. Bến Ngự là nơi các vua nhà Nguyễn tiến hành lễ tế Giao.
Bến Rớ là ngã ba nơi gặp nhau của sông Ba Tri cá trại và rạch Bần Quỳ, thuộc xã Châu Hoà, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bến Rớ, vì nơi đây ngư dân có dựng một số rớ giàn để đánh bắt tôm cá.
Bến Thuỷ là cảng bên bờ sông Lam, nằm cách tp. Vinh, tỉnh Nghệ An 5km về hướng đông nam. Bến Thuỷ có nghĩa là “bến đóng tàu thuỷ” nói gọn lại.
2.8. Một số yếu tố vốn là sự vật, đặc sản hoặc đặc điểm của nơi đó.
Bến Cát là huyện của tỉnh Bình Dương, mới tách ra từ huyện Bến Cát cũ năm 1999, diện tích 588,4km2, dân số104.900 người (2006), gồm thị trấn Mỹ Phước và 14 xã. Bến Cát là “bến có nhiều cát”.
Bến Dầu là chợ ở xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bến Dầu là “bến chuyên bán dầu rái” [9].
Bến Đá là đèo ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, gần Tam Quan. Tên chữ là Thạch Tân. Bến Đá là “bến có nhiều đá” [5].
Bến Gỗ là địa điểm ở xã Hoà Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có một di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Chăm. Bến Gỗ là “bến tập trung gỗ khai thác ở miền Đông để chở bằng thuyền về miền Tây tiêu thụ”.
Bến Phân là cầu nằm trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, tp. HCM, dài 84,2m, rộng 7m. Bến Phân ngày xưa là bến bán phân tằm để bón cho trầu và thuốc lá nên có tên trên [4].
Bến Súc là địa điểm bên quốc lộ 51, thuộc thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bến Súc xưa kia là nơi tập trung gỗ rừng để chở về miền Tây Nam Bộ tiêu thụ [8].
Bến Súc còn là cảng ở trên sông Sài Gòn, tại chỗ giáp giới của hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Bến Súc chỉ “bến chứa những khúc gỗ lớn”.
Bến Ván là sông chảy qua An Tân và đầm An Thái, tỉnh Quảng Nam, dài độ 6km. Tên chữ Hán là Bản Tân. Bến Ván cũng là cầu xe lửa bắc qua sông Bến Ván, tỉnh Quảng Nam, dài 1.640m [1]. Bến Ván là “bến chứa nhiều ván”.
Bến Kiền là cảng trên sông Cấm, tp. Hải Phòng. Tại đây có khu công nghiệp đóng tàu đánh bắt cá lớn. Bến Kiền có lẽ là “bến có nhiều khúc gỗ cây kiền kiền” [5].
2.9. Sau cùng, thành tố sau là tên các loại cây cối ở địa điểm đó.
Bến Lức là tên sông nhánh của sông Vàm Cỏ Đông, dài 19km, chảy trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An và huyện Bình Chánh, tp. HCM. Bến Lức cũng là tên huyện của tỉnh Long An, diện tích 289,3km2, dân số 126.100 người (2006), gồm một thị trấn và 14 xã. Bến Lức còn là tên hai chiếc cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, chiếc cũ dài 549m, chiếc mới dài 400m, rộng 12m. Bến Lức vừa gốc thuần Việt vừa gốc Khmer, là “bến có nhiều cây lứt”. Lứt (lức) gốc Khmer Rolưk [12], là một loại cỏ lá nhỏ, mọc theo bờ nước, rễ là vị thuốc sài hồ. Tên dịch ra từ Hán Việt của Bến Lức là Lật Giang [4].
Bến Tắt là địa điểm trên sông Bến Hải, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bến Tắt cũng là tên cầu bắc qua sông Bến Hải, trên đường Hồ Chí Minh, do Cu Ba xây dựng năm 1973, dài 150m, rộng 6m, được công nhận là di tích quốc gia năm 1986, bị lũ cuốn trôi năm 1985, được trục vớt tháng 12 – 2006. Bến Tắt là “bến có mọc nhiều mây tắt” [1].
Bến Tre là tỉnh ở Nam Bộ, diện tích 2.310km2, dân số 1,299 triệu người (2006), gồm 1 thị xã và 7 huyện. Tỉnh được thành lập ngày 1 – 1 - 1900. Tên dịch sang chữ Hán lá Trúc Giang (dịch không sát). Có hai cách lý giải: 1. Bến Tre là “bến có nhiều cây tre mọc”. Người Khmer cũng gọi tương tự Prêk Rưsei “rạch Tre” [12]. 2. Dạng gốc là Srok Kompon Trey/Treay “xứ bến cá” [13]. Tại Bến Tre, người ta không thấy có nhiều tre, nên thuyết 2 có lý hơn.
Bến Lạc là đảo nhỏ ở phía bắc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Bến Lạc vì bến ở vị trí tách ra khỏi quần đảo như bị lạc giữa biển khơi.
3. Hầu hết các địa danh trong bài này đều là từ thuần Việt. Chúng phản ảnh những con người, địa hình, cảnh vật, động vật… nơi chúng chào đời. Vì vậy, chúng như những bức tranh giúp chúng ta hiểu rõ hơn đất nước, lịch sử, văn hoá dân tộc.
Theo khoavanhoc-ngonngu.edu.vn