Quá trình phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trên thế giới
| 24-03-2016Đặt vấn đề
Trong những năm qua, công nghệ thông tin đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia trên thế giới đã triển khai các chương trình nghị sự cho sự phát triển và thức đẩy thông tin không gian địa lý để giải quyết các thách thức về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Hạ tầng dữ liệu không gian (Spatial Data Infrastructure – gọi tắt là SDI) ngày càng được phát triển.
Theo khái niệm được nhiều quốc gia thừa nhận: Hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) là tập hợp các chính sách, tổ chức - thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn nhân lực nhằm chia sẻ và sử dụng có hiệu quả dữ liệu không gian.
Hạ tầng dữ liệu không gian được chia thành các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Hạ tầng dữ liệu không gian của một quốc gia gọi là hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (National Spatial Data Infrastructure - NSDI).
Hiện nay, SDI đã trở thành một nguồn lực thông tin rất lớn đối với hầu hết các quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nhanh tiến độ xây dựng xã hội thông tin và phát triển nền kinh tế trí thức, xây dựng chính phủ điện tử, đổi mới hệ thống hành chính theo hướng phục vụ người dân hiệu quả, minh bạch và dân chủ.
- Quá trình phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý của khu vực và thế giới
Từ những năm 1990 Liên Hợp Quốc đã khuyến khích các khu vực lãnh thổ khởi động việc xây dựng hạ tầng GIS khu vực. Các khu vực đã thành lập Ủy ban thường trực về thông tin địa lý và tổ chức hội nghị hàng năm để thảo luận về chủ đề xây dựng hạ tầng thông tin không gian của khu vực.
Năm 2011, Liên hợp quốc đã thành lập Ủy ban các chuyên gia về Quản lý thông tin không gian địa lý toàn cầu của Liên hợp quốc (Committee of Experts on Global Geospatial Infomation Management – UN-GGIM). UN-GGIM nhằm thống nhất hoạt động của các Uỷ ban khu vực: châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và châu Mỹ, đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập chương trình nghị sự cho sự phát triển, kết nối thông tin không gian địa lý toàn cầu và thúc đẩy việc sử dụng thông tin địa lý để giải quyết các thách thức về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Việt Nam hiện đang tham gia các hoạt động của Ủy ban các chuyên gia về Quản lý thông tin không gian địa lý khu vực châu Á – Thái Bình Dương (viết tắt là UN-GGIM-AP, trước đây là PCGIAP). Ủy ban được thành lập theo Nghị quyết 16 của Hội nghị Bản đồ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13, năm 1994.
UN-GGIM-AP được thành lập với mục đích tối ưu hóa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường thông tin địa lý theo Nghị quyết của Chương trình nghị sự 21 của Liên hợp quốc, tạo diễn đàn cho các quốc gia trong khu vực đạt tới các mục tiêu hợp tác trong việc phát triển hạ tầng thông tin địa lý khu vực và toàn cầu. Uỷ ban đã thành lập các nhóm làm việc với những chương trình chung của khu vực. Tại Hội nghị lần thứ 18 của PCCGIAP và Lần thứ Nhất UN-GGIM-AP được tổ chức vào tháng 10 năm 2012 tại Thái Lan đã thông qua Nghị quyết với những điểm khuyến nghị các nước thành viên như sau:
- Làm việc theo hướng kết nối và chia sẻ dữ liệu về độ cao quốc gia, các bộ dữ liệu quan trắc, gồm hệ thống vệ tinh dẫn đường, thuỷ chuẩn trắc địa, trọng lực với định dạng mở.
- Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có nhiều thảm hoạ thiên tai, do đó thông tin không gian địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những cảnh báo tức thời để hỗ trợ và ứng phó với những trường hợp khẩn cấp. Do vậy cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc chia sẻ thông tin dữ liệu cho yêu cầu quản lý thiên tai.
- Hợp tác trong việc thiết kế và xây dựng cổng thông tin địa lý điện tử khu vực phục vụ quản lý thiên tai.
- Các nước thành viên cần thúc đẩy việc thu nhận và bảo trì thông tin không gian địa lý; nâng cao giá trị của thông tin địa lý, khả năng sử dụng các thông tin địa lý cho các ứng dụng của địa phương, quốc gia và khu vực.
- Các cơ quan thông tin không gian địa lý quốc gia cần sử dụng và chia sẻ các dữ liệu dựa trên nền tảng Web và những dịch vụ thông minh để quản lý, phân tích, phân phối thông tin không gian địa lý.
Tại khu vực châu Âu, từ 3/2007, Nghị viện châu Âu đã thành lập Hạ tầng Thông tin không gian tại Cộng đồng châu Âu có tên INSPIRE. INSPIRE được triển khai qua nhiều giai đoạn và sẽ hoàn tất vào năm 2019.
INSPIRE được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc cơ bản: (1) dữ liệu phải được thu nhận tức thời và lưu trữ ở nơi có khả năng cập nhật hiệu quả nhất; (2) tạo khả năng tổ hợp dữ liệu không gian kết nối liên tục từ nhiều nguồn khác nhau ở châu Âu và chia sẻ với nhiều người sử dụng và nhiều ứng dụng; (3) tạo khả năng thu nhận dữ liệu trên một cấp độ, một phạm vi để chia sẻ trên nhiều cấp độ, nhiều phạm vi nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược; (4) thông tin địa lý được quản trị tốt ở tất cả các cấp phải minh bạch và luôn sẵn sàng phục vụ; (5) dễ dàng tìm kiếm thông tin địa lý, dễ dàng sử dụng cho cả những mục đích riêng và cụ thể hóa các điều kiện để tiếp nhận thông tin và sử dụng thông tin.
Từ năm 2008 cho đến nay, hàng loạt các quy định pháp lý về INSPIRE đã được ban hành phục vụ cho quá trình triển khai. INSPIRE có mục tiêu hướng đến xây dựng một hạ tầng dữ liệu không gian có tính thực tế cao, phục vụ cho sự phát triển bền vững và tăng cường bảo vệ môi trường.
2. Quá trình phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia của một số nước
2.1. Nhật Bản
Từ năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm đến NGDI. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, các thông tin địa lý số và GIS chỉ được sử dụng trong các nghiên cứu, các hoạch định chính sách của Chính phủ, công tác tư vấn trong lĩnh vực tư nhân do giá thành dữ liệu, phần mềm rất cao.
Sau vụ động đất lớn năm 1995 tại thành phố Kobe, Chính phủ Nhật Bản thay đổi quan điểm về việc sử dụng thông tin không gian địa lý. Các cơ quan quản lý của Chính phủ nhận thấy cần phải đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý trong công tác phòng, tránh và khắc phục các thảm hoạ thiên nhiên. Nhật Bản là nước thường phải chịu nhiều thảm hoạ như động đất, sóng thần, trượt lở đất, núi lửa, bão lụt… nên việc sử dụng thông tin địa lý để đối phó với các thảm hoạ rất được chú trọng phát triển. Hai trong số các ứng dụng của NSDI đã được Chính phủ Nhật Bản áp dụng như:
- Về ứng phó với thiên tai: phân tích và cung cấp các bản đồ qua mạng internet, điện thoại di động đánh dấu các con đường an toàn cho người dân di chuyển khi xảy ra động đất, các khu vực cần di dân khi có bão, lũ lụt, các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, các khu vực an toàn để trú ẩn... Các cảnh báo này thường được cập nhật tức thời và cung cấp rộng rãi cho các cơ quan quản lý và người dân giúp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến thiên tai.
- Về quản lý, quy hoạch: cung cấp các bản đồ thể hiện thông tin liên quan đến xây dựng như những khu vực đang xây dựng, những khu trong quy hoạch; các thông tin liên quan đến cấp, thoát nước… Những thông tin này được sử dụng chung trong công tác quản lý của tất cả các ngành, các lĩnh vực có liên quan.
Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng NSDI theo các bước chính như sau:
- Phát triển và cập nhật dữ liệu thông tin địa lý cơ bản: xây dựng hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 và 1:2.500 (do Viện Đo đạc địa lý – Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch thực hiện).
- Thúc đẩy việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan và phân phối dữ liệu đến người dân: thành lập Uỷ ban quốc gia để quản lý NSDI. Các dữ liệu thông tin địa lý cơ bản được chia sẻ cho tất cả các cơ quan Chính phủ và các dữ liệu này được cập nhật theo quy định. Các dữ liệu này sẽ được sử dụng và tích hợp với các dữ liệu chuyên ngành bởi các cơ quan liên quan.
- Tích hợp GIS với hệ thống định vị vệ tinh.
2.2. Malaysia
Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Malaysia (MyGDI) là một sáng kiến của chính phủ để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý nhằm nâng cao nhận thức về các dữ liệu sẵn có và cải thiện việc tiếp cận thông tin không gian địa lý. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tham gia. MyGDI là một hạ tầng cơ sở dữ liệu không gian địa lý bao gồm cả các chính sách, tiêu chuẩn, nghiên cứu công nghệ và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Quá trình phát triển MyGDI được bắt đầu từ trước năm 2000 và chia thành nhiều giai đoạn với các mục tiêu khác nhau:Xây dựng các trung tâm dữ liệu; số hoá bản đồ chuyên ngành; Phát triển dữ liệu khung, tiêu chuẩn và chính sách; Xây dựng cổng thông tin địa lý Malaysia (MyGDI portal), thúc đẩy các dịch vụ trên GDI; phát triển tối đa các ứng dụng và giải pháp.
Mục đích của việc phát triển MyGDI: tránh đầu tư trùng lặp, thúc đẩy việc đầu tư hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực của liên bang, tiểu bang và chính quyền địa phương; hỗ trợ truy cập và khuyến khích việc hợp tác và điều phối trong việc sử dụng dữ liệu không gian địa lý tại các cấp.
Thông qua MyGDI, các hợp tác thông minh giữa các cơ quan liên tục được phát triển để tạo ra và chia sẻ thông tin không gian địa lý một cách hiệu quả, cho phép các thành viên của cộng đồng không gian địa lý có thể chia sẻ và truy cập dữ liệu với nhau một cách thông suốt. Ngoài ra, MyGDI đảm bảo tránh trùng lặp, chính xác, kịp thời và nhất quán của dữ liệu được sử dụng trong quy hoạch, phát triển và quản lý tài nguyên:
- Cung cấp một cơ chế sử dụng và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan sử dụng và cung cấp dữ liệu.
- Khuyến khích sử dụng rộng rãi các dữ liệu không gian địa lý tại các tiểu bang và quốc gia.
- Kích thích và nâng cao nhận thức về giá trị của dữ liệu không gian địa lý và các công nghệ liên quan.
- Đóng góp vào việc tăng cường sự phát triển của dữ liệu không gian địa lý quốc gia thông qua các hợp tác.
Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaixia được giao quản lý và phát triển cổng thông tin địa lý của Malaixia (http://www.mygeoportal.gov.my).
2.3. Trung Quốc
Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Điều phối Thông tin không gian địa lý quốc gia (NGICC) từ năm 2001, Uỷ ban này do Hội đồng quốc gia về Cải cách và Phát triển điều hành (NDRC). Cục Đo đạc và Bản đồ và thông tin địa lý Quốc gia Trung Quốc (NASG) là một trong những thành viên chính của Uỷ ban và đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (DCGF). DCGF bao gồm mười một thành viên từ các bộ, ngành. Chính quyền nhiều tỉnh, thành phố cũng thành lập Ủy ban Điều phối Thông tin không gian địa lý địa phương. Ủy ban điều phối địa phương đã được thành lập cho hơn mười tỉnh.
Việc xây dựng DCGF đã được Chính phủ Trung Quốc phê duyệt và dự án được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước. DCGF có một mối quan hệ chặt chẽ với chương trình Chính phủ điện tử của Trung Quốc. Giai đoạn đầu tiên của chương trình Chính phủ điện tử có 12 hệ thống ứng dụng và bốn cơ sở dữ liệu chính bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và cơ sở dữ liệu thông tin địa lý (NRGID). SBSM đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập dữ liệu thông tin địa lý cơ bản quốc gia.
3. Đánh giá
Từ kinh nghiệm phát triển NSDI của các nước nêu trên, có thể rút ra một số kết luận và đánh giá sau:
- Các chính sách và đầu tư của Chính phủ có vai trò rất quan trọng để định hướng phát triển NSDI;
- Chính phủ đóng vai trò lãnh đạo quá trình phát triển NSDI, điều phối các cơ quan liên quan và có những chính sách phù hợp khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình khai thác và sử dụng NSDI;
- Quá trình phát triển NSDI phải gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ;
- Việc sử dụng NSDI không chỉ tăng hiệu quả điều hành vĩ mô về phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường mà còn tăng trực tiếp nguồn thu cho nhà nước từ việc nâng cao hiệu quả quản lý từ đất đai, thuế./.
NVT
Tin khác
- Tập bản đồ vẽ tay khổng lồ của 2 tác giả Ba Lan (18/05/2020)
- Thư viện Mỹ trả tập Atlas hiện đại đầu tiên trên thế giới cho Cuba (18/01/2020)
- Lễ ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) (12/01/2020)
- Bản đồ thế giới từ cổ đại đến hiện đại (10/12/2019)
- Trên Biển Đông có gì? (21/10/2019)
- Tăng cường sử dụng sản phẩm bản đồ và dữ liệu không gian địa lý phục vụ nâng cao dân trí trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (01/07/2019)
- Quy định của Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 của Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (24/05/2019)
- Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ (16/03/2019)
- Đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (06/06/2018)
- Người Sài Gòn có thể tránh ngập bằng smartphone (08/10/2017)