Trên Biển Đông có gì?
| 21-10-2019Làm sao để một quả địa cầu sản xuất ở nước ngoài có in hai địa danh “Hoàng Sa” và “Trường Sa”? Tôi đã mất 2 năm để trả lời câu hỏi ấy.
Tháng 4/2016, khi tìm sản phẩm đồ dùng học tập tốt cho học sinh để kinh doanh, tôi bắt đầu tìm hiểu về quả địa cầu. Trước đó tôi từng mua cho con quả địa cầu được sản xuất trong nước ở hiệu sách. Về cảm quan, hình thức và chất lượng sản phẩm không có gì đổi mới so với thời chính tôi còn đi học gần 20 năm trước.
Những tên gọi vẫn được phiên âm theo lối cũ, Ôtx trây lia hoặc Ca dắc xtan, rất khó để trẻ em ngày nay suy luận ngược về địa danh gốc hoặc trong tiếng Anh. Điều này ngăn cản chúng tự nghiên cứu thêm, khi tiếng Anh đang ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến. Thậm chí các trang thông tin tiếng Việt bây giờ cũng không dùng cách viết này.
Đó là một dụng cụ học tập rất quan trọng để trẻ em tìm hiểu thế giới. Chúng cần có một thứ để chơi trước khi để học. Nhưng thật khó để yêu quý nó với chất lượng và trình bày như vậy. Rất lạ là hầu như không có sản phẩm của nước ngoài bán ở Việt Nam.
Quả địa cầu là một loại bản đồ. Đó là một loại xuất bản phẩm, giống như sách. Nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh được quy định bởi Luật xuất bản. Việc nhập khẩu kinh doanh quả địa cầu chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Tôi quyết định tham gia vào lĩnh vực này, mà không hề biết điều gì đang chờ đợi mình. Tôi đã chọn các quả địa cầu Columbus để làm mục tiêu nhập khẩu. Columbus thành lập năm 1909 ở Đức, là hãng sản xuất lâu đời nhất thế giới về bản đồ và quả địa cầu. Paul Oestergaard thành lập Columbus với mong muốn mỗi nhà đều có một quả địa cầu Columbus và quả địa cầu không nên là đặc quyền của nhà giàu.
Nhưng vấn đề là trên quả địa cầu tiếng Anh của Columbus, trên vùng biển Đông của chúng ta chỉ có mỗi cái tên "South China Sea" và không có tên hai quần đảo "Hoàng Sa" và "Trường Sa". Tôi phải đàm phán với họ về việc sản xuất riêng một quả địa cầu cho mình. Đó là một việc khó khăn, khi yêu cầu một nhà sản xuất hàng đầu thế giới đặt thương hiệu lên một sản phẩm họ chưa từng làm.
Sau một thời gian dài trao đổi, Columbus đồng ý sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của tôi với điều kiện: tôi phải đặt một đơn hàng lớn và tôi phải thanh toán 100% giá trị lô hàng mới tiến hành công việc. Lại mất vài tuần email qua lại thương thảo tiếp, vì 100% lô hàng là số tiền quá lớn với tôi. Tôi vừa thương lượng vừa đi xoay sở tài chính cho những quả địa cầu.
Nhìn ảnh gửi từ Đức để duyệt nội dung in đảo Hoàng Sa, Trường Sa...tôi đã rất vui vì cuối cùng cũng chốt được. Năm 2017, lô hàng đầu tiên về đến cảng Hải Phòng.
Nhưng trong lúc vui, tôi đã bỏ sót việc kiểm tra kỹ ảnh duyệt. Mặc dù email đã chốt in nội dung giống nhau ở cả 2 quả địa cầu, cuối cùng Columbus lại chỉ in tên đảo ở quả to đường kính 30cm. Ở quả nhỏ, có thể vì chữ quá bé mà họ đã không in Hoàng Sa, Trường Sa. Sau một năm nằm ở cảng Hải Phòng, toàn bộ lô hàng phải tái xuất về Đức.
Trong suốt thời gian hơn 2 năm đó, tôi đã vất vả, chạy đi chạy lại hàng chục công ty về việc hợp tác nhập khẩu; gặp gỡ và nhờ vả hàng chục người bạn để tìm sự giúp đỡ khi công việc tắc nghẽn. Tiền vốn đầu tư vào lô hàng ngày càng lớn lên mà hàng thì chưa thể nhập được.
Tôi tuyệt vọng và kiệt quệ về tài chính. Nhưng rất may mắn, là những quả địa cầu vô tri ấy, với hai chữ "Hoang Sa" và "Truong Sa" nhỏ xíu, nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Từ bạn bè đến cả những người không quen biết, đã ủng hộ tôi cả về tài chính lẫn tinh thần.
Đến tháng 8/2019 những quả địa cầu Columbus mới lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội, kết thúc một hành trình đầy gian nan.
Về tài chính, lô hàng quả địa cầu này khiến tôi thua lỗ vài trăm triệu đồng. Nhưng khi những quả địa cầu Columbus tuyệt đẹp, với tên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa... toả đến các gia đình, cuối cùng tôi cũng được chứng kiến những niềm vui của họ.
Mỗi khi có sự kiện văn hoá phẩm, xuất bản phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo bị thu giữ, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến câu chuyện nhập khẩu quả địa cầu Columbus của mình. Hai chữ "Hoang Sa" và "Truong Sa" ấy chỉ là hai dấu chấm nhỏ trong hàng nghìn địa danh có trên một quả địa cầu. Nhưng để bảo vệ được chúng, chỉ trong một lô hàng, tôi đã mất hai năm, và chỉ có thể thực hiện được với sự ủng hộ của rất nhiều người Việt Nam khác.
Ở thời điểm tôi khó khăn nhất, đã có hàng chục người sẵn sàng trả tiền trước cho quả địa cầu này, cho dù tôi cũng không thể cam kết với họ lúc đó rằng có thể nhập hàng được hay không. Số tiền không lớn, nhưng rất ý nghĩa khi tôi tưởng mình đã tuyệt vọng.
Cuộc bảo vệ hai cái tên đó, có lẽ không phải là chuyện của riêng một nhóm nhỏ nhà quản lý. Cho dù câu chuyện của tôi chỉ là một cái đích nhỏ, nhưng mọi hành trình sẽ không bao giờ thành nếu không nhờ vào từng người Việt Nam, từng khách hàng, từng nhà buôn.
Cấn Đình Việt
Tin khác
- Tập bản đồ vẽ tay khổng lồ của 2 tác giả Ba Lan (18/05/2020)
- Thư viện Mỹ trả tập Atlas hiện đại đầu tiên trên thế giới cho Cuba (18/01/2020)
- Lễ ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) (12/01/2020)
- Bản đồ thế giới từ cổ đại đến hiện đại (10/12/2019)
- Tăng cường sử dụng sản phẩm bản đồ và dữ liệu không gian địa lý phục vụ nâng cao dân trí trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (01/07/2019)
- Quy định của Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 của Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (24/05/2019)