Quy định của Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 của Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
| 24-05-2019Luật Đo đạc và bản đồ của Việt Nam được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2018 có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
1. Đối với việc tuân thủ các quy định chung về hoạt động đo đạc và bản đồ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài
Luật Đo đạc và bản đồ quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hoặc hoạt động khác có liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ nước ngoài khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân theo quy định của Luật này.
Tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đo đạc và bản đồ quy định: Hoạt động đo đạc và bản đồ của Việt Nam là phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Qua đó thấy rằng, việc đảm bảo chủ quyền lãnh thổ và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là vấn đề quan trọng hàng đầu trong hoạt động đo đạc và bản đồ, bất kể đó là tổ chức, cá nhân ở trong nước hay tổ chức, cá nhân ngoài nước thực hiện. Nội dung này cũng được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Luật Đo đạc và bản đồ, đó là:
- Đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ phải được thể hiện chính xác trên sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ;
- Tổ chức, cá nhân phải sử dụng bản đồ chuẩn biên giới quốc gia hoặc bản đồ biên giới do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp đối với khu vực chưa có bản đồ chuẩn biên giới quốc gia để thể hiện chính xác đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ trên sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ.
Quy định cụ thể về các nội dung trên đây được thể hiện tại Thông tư số 17/2018/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ban hành ngày 31 tháng 10 năm 2018.
Hiện nay, bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia giữa Việt Nam và các nước láng giềng đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ công bố, cung cấp rộng rãi cho tất cả các đối tượng có liên quan, kể cả các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước. Quy định sử dụng thống nhất bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia trong xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý, xuất bản phẩm bản đồ sẽ đảm bảo việc thể hiện thống nhất đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam với các nước láng giềng theo đúng các văn bản đã ký giữa Việt Nam với các nước láng giềng và quy định của Việt Nam.
Liên quan đến việc chuẩn hóa và sử dụng địa danh, tại Điều 21 của Luật Đo đạc và bản đồ quy định: Các tổ chức, cá nhân phải sử dụng địa danh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn hóa và công bố để thể hiện chính xác, thống nhất trong các hoạt động đo đạc và bản đồ, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Việc thực hiện chuẩn hóa địa danh phải đảm bảo tính kế thừa, tính phổ thông, tính hội nhập, tôn trọng tín ngưỡng, tập quán và phù hợp với quy tắc ngôn ngữ học; phù hợp với địa danh được pháp luật Việt Nam quy định hoặc địa danh được sử dụng trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản hoàn thành việc chuẩn hóa địa danh phần đất liền lãnh thổ Việt Nam phục vụ thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn. Đến tháng 4 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 54 danh mục địa danh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới dạng thông tư; từ nay tới năm 2020 sẽ tiếp tục ban hành 9 thông tư về danh mục địa danh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
Điều 6 Luật Đo đạc và bản đồ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ, bao gồm:
- Giả mạo, làm sai lệch số liệu, kết quả đo đạc và bản đồ;
- Phá hủy, làm hư hỏng công trình hạ tầng đo đạc; vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc;
- Hoạt động đo đạc và bản đồ khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia;
- Cản trở hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Phát tán, làm lộ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Tại khoản 2 Điều 59 của Luật Đo đạc và bản đồ quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Đối với việc đầu tư; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài
Các chính sách của Việt Nam được quy định trong Luật Đo đạc và bản đồ đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước đầu tư, tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Việt Nam. Tại Điều 5 của Luật Đo đạc và bản đồ quy định chính sách của nhà nước Việt Nam về hoạt động đo đạc và bản đồ; trong đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
Một số quy định cụ thể như sau:
a) Về tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc
Căn cứ quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, tại Điều 14 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 13 tháng 3 năm 2019 đã quy định cụ thể việc tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc theo danh mục dự án đầu tư do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và các quy định của pháp luật có liên quan.
Khoản 4 Điều 14 của Nghị định cũng quy định: Dự án đầu tư khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư; đảm bảo quyền lợi của nhà nước và tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư; đảm bảo quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
b)Về cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ
Quy định về cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho nhà thầu nước ngoài được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 51 và Điều 52 Luật Đo đạc và bản đồ; điều kiện, trình tự cấp giấy phép được quy định cụ thể tại Điều 32 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP. Theo các quy định trên đây, nhà thầu nước ngoài được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động khi có đủ điều kiện theo quy định và chỉ được hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn thực hiện của gói thầu theo phạm vi hoạt động được ghi cụ thể trên giấy phép. Trong trường hợp vì lý do gói thầu không thực hiện đúng thời gian theo kế hoạch và chủ đầu tư được gia hạn thời gian thực hiện gói thầu thì chủ đầu tư được đề nghị gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ nếu các hạng mục về đo đạc và bản đồ của gói thầu chưa hoàn thành.
c) Về cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ
Tại khoản 3 Điều 41 của Luật Đo đạc và bản đồ quy định cụ thể về thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được cung cấp rộng rãi nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng hợp pháp vào các mục đích của mình trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam phí và lệ phí, bảo vệ bí mật Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, nội dung cam kết sử dụng... Các quy định cụ thể về trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ với tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài được quy định tại Điều 22 Nghị định số 27/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 13 tháng 3 năm 2019.
d) Về hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 của Luật Đo đạc và bản đồ, các nguyên tắc bao gồm là: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Việt Nam; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam; bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Các nội dung hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ cũng được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 8 của Luật Đo đạc và bản đồ, bao gồm các nội dung chính như sau: Ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về đo đạc và bản đồ; trao đổi chuyên gia; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đo đạc và bản đồ; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ; trao đổi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; tham gia, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế.
Kết luận:
Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 của Việt Nam và các văn bản dưới Luật đã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ cũng khẳng định sự hội nhập của Việt Nam vào các hoạt động chung của quốc tế về lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới./.
Phan Đức Hiếu, Nguyễn Văn Thảo
Tin khác
- Tập bản đồ vẽ tay khổng lồ của 2 tác giả Ba Lan (18/05/2020)
- Thư viện Mỹ trả tập Atlas hiện đại đầu tiên trên thế giới cho Cuba (18/01/2020)
- Lễ ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) (12/01/2020)
- Bản đồ thế giới từ cổ đại đến hiện đại (10/12/2019)
- Trên Biển Đông có gì? (21/10/2019)
- Tăng cường sử dụng sản phẩm bản đồ và dữ liệu không gian địa lý phục vụ nâng cao dân trí trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (01/07/2019)