Xuân 2019 - Mùa xuân bắt đầu các nhiệm vụ lớn đối với Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam
| 03-03-2019Năm 2019, một năm với nhiều sự kiện có ý nghĩa lớn đối với Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam diễn ra từ đầu năm đến cuối năm: Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực (từ 01/01/2019), Tuần làm việc của Hiệp đoàn Trắc địa thế giới 2019 tại Hà Nội (4/2019), Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959 - 14/12/2019).
Năm 2018 đã kết thúc cùng với nhiều sự kiện tiêu biểu, nổi bật của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Khóa XIV, tổ chức thành công Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc ngành đo đạc và bản đồ, Hoàn thành Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Điểm lại một năm với sự thành công của nhiều sự kiện lớn với sự đóng góp trí tuệ, công sức của hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động lĩnh vực đo đạc và bản đồ trên khắp cả nước; trên hết là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp ở Trung ương và địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức và sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế với Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Bước vào năm 2019, để triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ kịp thời, thống nhất và hiệu quả từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật với mục đích sau:
- Xác định cụ thể các nội dung công việc, tiến độ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả;
- Xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.
Một số nội dung cụ thể triển khai Luật Đo đạc và bản đồ bao gồm:
1. Phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản quy định chi tiết
Ngoài Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua, Luật giao Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 4 văn bản quy định chi tiết bao gồm:
- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;
- Nghị định về hoạt động viễn thám;
- Thông tư Quy định kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ;
- Thông tư Quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Với sự nỗ lực của các Tổ soạn thảo, đến nay, các văn bản trên đây đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo việc triển khai thi hành đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đo đạc và bản đồ.
Để đảm bảo việc thi hành kịp thời, thống nhất, có hiệu quả quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết, việc tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các các văn bản trên đây là nội dung hết sức quan trọng. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành Luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
Hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã biên soạn tài liệu, gửi Bộ Tư pháp và đăng tải trên Cổng thông tin của Cục, phối hợp với một số cơ quan thông tấn, báo chí cung cấp thông tin hoặc viết bài đăng tải giới thiệu về các văn bản liên quan đến Luật Đo đạc và bản đồ.
2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ
Trong triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, vấn đề cần thiết đầu tiên là phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, kịp thời xem xét hủy bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành và xây dựng, ban hành các văn bản mới đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất và phù hợp với Luật. Đây là công việc quan trọng trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 và các năm tiếp theo, rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.
Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật và lập kế hoạch, triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa các bộ, ngành có liên quan và giữa Trung ương với địa phương.
3. Lập kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ.
Luật Đo đạc và bản đồ, các văn bản quy định chi tiết đã quy định cụ thể các nhiệm vụ lĩnh vực đo đạc và bản đồ cần triển khai thực hiện và hoàn thành theo thời hạn nhất định, cụ thể như sau:
a) Xây dựng, hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia
Tại Điều 9 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ đã quy định rõ: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực để công bố sử dụng thống nhất trong toàn quốc.
Trước mắt, cần rà soát, đánh giá hiện trạng số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia. Trên cơ sở đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia gồm số liệu mạng lưới toạ độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia; công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia theo quy định.
Mặc dù các nhiệm vụ trên đây đã được chuẩn bị và tiến hành thực hiện trong thời gian qua nhưng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của việc xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia vào cuối năm 2019 với tổng số 65 trạm, cần tiếp tục kêu gọi các nguồn lực xã hội triển khai giai đoạn 2 (khoảng 100 trạm) để phủ kín các khu vực chưa được xây dựng của giai đoạn 1. Đồng thời, tăng cường việc áp dụng công nghệ định vị vệ tinh một cách rộng rãi để phát huy hiệu quả của các mạng lưới. Việc đưa vào khai thác mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia là bước đột phá về công trình hạ tầng đo đạc trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, là sự thay đổi cơ bản, quan trọng theo hướng hiện đại hóa trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
b) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia
Phần lớn cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia không được cập nhật kể từ khi hoàn thành. Một số cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ lớn, tỷ lệ trung bình được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực cũng đã thành lập cách đây 5 - 10 năm, thậm chí 15 năm. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch 2017, từ năm 2020 chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và được cập nhật để tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 41 Luật Quy hoạch 2017). Do đó, việc triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia là nhiệm vụ rất cấp bách, cần được sự quan tâm, đầu tư kinh phí kịp thời.
c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản đã được quy định tại Luật Đo đạc và bản đồ. Hiện nay, các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào đã hoàn thành, đang đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia (đến hết năm 2018 đã hoàn thành trên 85% khối lượng trên toàn tuyến). Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gấp rút triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính có ý nghĩa lớn trong việc phục vụ công tác quản lý biên giới quốc gia và địa giới hành chính, đặc biệt là trong việc thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.
d) Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI)
Đây là nội dung hoàn toàn mới đã được quy định trong Luật Đo đạc và bản đồ, nhằm đảm bảo việc xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả dữ liệu không gian địa lý phục vụ Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu khác của xã hội. Việc xây dựng NSDI gồm hai nhiệm vụ chính:
- Xây dựng chiến lược phát triển NSDI trình Chính phủ phê duyệt, thực hiện từ 2019 – 2020;
- Triển khai xây dựng NSDI, thực hiện từ 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025, tiếp tục xây dựng và phát triển trong các năm tiếp theo.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai xây dựng NSDI trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tích hợp dữ liệu không gian địa lý quốc gia; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai xây dựng NSDI thuộc phạm vi quản lý.
Trong năm 2019, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phải bắt đầu triển khai xây dựng Cổng thông tin địa lý Việt Nam, xây dựng danh mục dữ liệu khung, danh mục dữ liệu đo đạc và bản đồ chuyên ngành, siêu dữ liệu, dịch vụ dữ liệu các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo vận hành cơ sở dữ liệu.
Việc xây dựng NSDI là xu hướng của các quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với nền tảng là dữ liệu lớn, kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo.
đ) Cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ
Đây cũng là một nội dung mới được quy định tại Luật Đo đạc và bản đồ, được quy định chi tiết trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ. Để thực hiện nội dung này, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị khung chương trình bồi dưỡng kiến thức về đo đạc và bản đồ, bộ câu hỏi phục vụ sát hạch, cấp chứng chỉ, các điều kiện khác có liên quan để kịp thời công bố thủ tục, thời gian, hình thức sát hạch và hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp chứng chỉ hạng II theo phân cấp.
4. Điều kiện đảm bảo thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ
Luật Đo đạc và bản đồ giao các bộ, ngành, địa phương chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phù hợp với chức năng nhiệm vụ và năng lực về nhân lực, công nghệ, kỹ thuật để đảm bảo các nội dung được giao không chồng chéo, có hiệu quả.
Để thực hiện các nội dung của Luật Đo đạc và bản đồ, ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và thi hành Luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng cần rà soát các điều kiện đảm bảo thực thi các nội dung được giao, cụ thể như sau:
4.1. Về nhân lực
Để đảm bảo có đủ số lượng nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn thực thi Luật Đo đạc và bản đồ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần rà soát, đánh giá nhân lực hoạt động đo đạc và bản đồ hiện có, đề xuất và lập kế hoạch bổ sung số lượng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, người lao động; chú trọng nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ viễn thám, công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ mạng…
Cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường cần tăng cường công tác quản trị nhân lực, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực đo đạc và bản đồ phù hợp với những nhiệm vụ mới đặt ra cần thực thi của Luật Đo đạc và bản đồ.
Luật phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, đo đạc và thành lập bản đồ công trình ngầm và nhiều nội dung khác. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho nhân lực tổ chức thực hiện công việc này ở các địa phương cần được củng cố, tăng cường.
4.2. Về khoa học – công nghệ
Sự phát triển của ngành đo đạc và bản đồ có mối quan chặt chẽ đến việc áp dụng khoa học và công nghệ, Luật đã quy định các hoạt động khoa học và công nghệ về đo đạc và bản đồ được Nhà nước ưu tiên bao gồm:
- Nghiên cứu cơ sở khoa học để hoàn thiện thể chế, pháp luật về đo đạc và bản đồ;
- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Nghiên cứu phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia;
- Nghiên cứu cơ bản về Trái Đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại.
Do đó, cần triển khai nghiên cứu các đề tài và thực hiện các dự án khoa học - công nghệ có mục tiêu, kết quả cụ thể làm cơ sở áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, hội nhập khu vực và thế giới.
4.3. Về kinh phí
Điều 9 Luật Đo đạc và bản đồ đã quy định về tài chính cho hoạt động đo đạc và bản đồ. Do đó, để đảm bảo điều kiện thực thi Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu quả, cần được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch; đồng thời cần huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia theo quy định của Luật.
Kết luận:
Bước vào năm 2019 với những nhiệm vụ quan trọng của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, đòi hỏi sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện, hoàn thành các nội dung đã được Luật Đo đạc và bản đồ quy định với chất lượng, hiệu quả cao nhất. Kết quả thực hiện trong năm 2019 là tiền đề quan trọng trong những năm tiếp theo, đồng thời là món quà quý giá chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959 – 14/12/2019).
Hy vọng rằng, với tư duy mới, quyết sách mới và cách làm mới, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ đạt được các kết quả to lớn, góp phần xứng đáng hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.
Phan Đức Hiếu, Nguyễn Văn Thảo
Tin khác
- Làm thế nào để học sinh có hứng thú học Lịch sử (30/10/2022)
- Từ điển SAMDICT - YouTube (03/09/2022)
- Bản đồ 5.000 năm tuổi cổ nhất thế giới (18/02/2022)
- Lỗi chính tả đắt giá nhất lịch sử lập pháp Mỹ (26/07/2020)
- Microsoft làm bản đồ tương tác giúp theo dõi diễn biến COVID-19 (17/03/2020)
- Bản đồ cổ Philippines phá kỷ lục đấu giá (28/09/2019)