Hà Nội chơi “độc” với ý tưởng lập bản đồ di sản phi vật thể
| 25-06-2016
Đây có thể coi là ý tưởng táo bạo ở Việt Nam hiện nay. Cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa - đơn vị thực hiện số hóa bản đồ di sản này, đã lý giải được vì sao Hà Nội lại chơi “độc”.
Khác biệt của bản đồ và báo cáo thống kê
Từ trước đến nay, chúng ta chỉ quen với khái niệm lập bản đồ kinh tế, địa lý; chưa bao giờ biết đến bản đồ di sản văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, hiện nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện ý tưởng này. Với vai trò là một trong những nhà khoa học tham gia dự án, ông có thể cho biết sự khác biệt của bản đồ di sản so với một báo cáo đề tài nghiên cứu?
- Trên thế giới đã có nhiều quốc gia làm bản đồ liên quan đến văn hóa, còn ở Việt Nam thì Hà Nội là địa phương đầu tiên. Trước hết, bản đồ di sản văn hóa phi vật thể được lập lên dựa trên kết quả Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện trong vòng 3 năm trở lại đây ở Thủ đô. Bản đồ này chỉ là một nhánh của hàng trăm công việc tiếp theo để phát huy đề án đó. Có thể thiết lập nhiều loại bản đồ, atlas di sản phi vật thể cho tương lai. Nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy được sự thay đổi trong các di sản văn hóa phi vật thể. Ví dụ thông qua một mặt giấy, chúng ta có thể thấy được một cách nhanh chóng trong 1.793 di sản phi vật thể của Hà Nội có bao nhiêu làng xã thờ Hai Bà Trưng, phân bố ở đâu. Và con số cụ thể thể hiện trên bản đồ là khoảng 17 địa điểm khác nhau. Từ đây, chúng ta có thể biến bản đồ di sản phi vật thể thành điểm chỉ dẫn rất lý thú cho du lịch. Du khách có thể mường tượng, liên kết các điểm cùng thờ một vị thần linh. Hoặc trong bản đó cũng cho biết Hà Nội có bao nhiêu điểm và phân bố ở những đâu thờ Thánh Gióng ngoài Phù Đổng (Gia Lâm) và Sóc Sơn… Bản đồ có thể góp phần giải thích cho người ta biết lý do vì sao để có được những sự phân bố của vị thần đó. Bởi có những vị thần được thờ cúng phân bố dọc theo các con sông, nhưng có vị thần lại gắn liền với nhiều đặc điểm địa lý, lịch sử khác. Nhìn từ loại bản đồ này sẽ phát hiện những bản sắc văn hóa phi vật thể rất riêng của Hà Nội. Bản đồ giúp cho người ta tìm cội nguồn, mối liên kết cộng đồng và quan trọng hơn là quản lý cũng như phát huy tốt hơn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Xuất phát từ đâu để ông nảy ra suy nghĩ đề xuất với Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa giúp Hà Nội chung tay thực hiện ý tưởng có thể gọi là táo bạo này?
- Thế giới có nhiều kinh nghiệm làm bản đồ, atlas về di sản. Ở nước ta từ năm 1938, GS.TS Nguyễn Văn Huyên - nhà dân tộc học hàng đầu của nước ta, đã xây dựng bản đồ phân bố các vị thần hoàng làng ở Bắc Ninh. Lúc đó, ông tổ chức một cuộc tổng điều tra về phong tục tập quán và các thành hoàng làng ở từng thôn, làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Các trưởng thôn (ngày đó là lý trưởng) nhận được một bản hơn 10 câu hỏi để kê khai về các vị thần, về phong tục tập quán của làng. Bản kê khai đó được lý trưởng hoặc chánh tổng đóng dấu. Bản đồ này sau khi ra đời giúp ích nhiều cho việc hiểu sâu sắc hơn về phong tục, tín ngưỡng thờ cúng của địa phương. Tài liệu điều tra thời đó đến ngày nay trở nên quý hiếm (được lưu trữ tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội), giống như một cuốn từ điển văn hóa về thần hoàng làng để các nhà nghiên cứu tra cứu. Tuy nhiên, công việc này tiêu tốn thời gian và tiền của, nên sau GS Nguyễn Văn Huyên, chưa có ai trong giới khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục đi theo hướng đó. Tôi hy vọng Hà Nội nên sử dụng triệt để nguồn tài liệu điều tra năm 1938 kết hợp với kết quả Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể lần này để có thể tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa hữu ích cho cả nghiên cứu và quản lý.
Vậy, phải chăng Hà Nội cũng tiêu tốn rất nhiều tiền của cho dự án xây dựng bản đồ di sản văn hóa phi vật thể lần này?
- Có thể khẳng định thực hiện lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể không quá tốn kém. Bởi vì bản đồ lập ra dựa trên số liệu, thông tin của Đề án tổng kiểm kê đã thực hiện từ trước. Tập đồ này có thể coi là cách phát huy giá trị của Đề án, khiến Đề án không chỉ là những báo cáo thống kê hay những danh mục. Bản đồ này giúp cho Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được khai thác thêm ở nhiều khía cạnh để cho công tác quản lý nhà nước và văn hóa ở các cấp ngày càng sâu sát, nhận nhận thức giá trị văn hóa phi vật thể ngày càng sâu sắc.
Tiết mục hát trống quân Khánh Hà, huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải
|
Làm sao để tương tác như thế giới?
Chia sẻ một cách chân thành thì sau khi đề án lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội thành sản phẩm, ông đã thật sự hài lòng?
- Tôi phải thừa nhận ý tưởng sử dụng công cụ bản đồ để quản lý về mặt văn hóa là rất đáng khuyến khích. Với thời đại thông tin, việc quản lý văn hóa bằng hệ thống bản đồ, atlas là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, những tấm bản đồ vừa được lập ra còn mang tính kinh điển, chúng ta có thế tiếp tục làm cho nó chứa đựng nhiều tính tương tác hơn. Làm bản đồ, atlas có thể không cần phải in mà phổ cập nó trên mạng, có thể dùng phần mềm máy tính để sử dụng và tương tác nhằm kích thích sự hiểu sâu về di sản văn hóa phi vật thể. Hơn nữa, tôi cũng mong muốn, từ đây các nhà quản lý văn hóa có cái nhìn rộng hơn nữa, để đưa ra các cách tiếp cận vừa khái quát, vừa sâu sắc đối với việc quản lý di sản phi vật thể. Bằng bản đồ có thể xây dựng mạng lưới văn hóa phi vật thể theo lịch đại, theo những chuyên đề khác nhau. Ví dụ các vị thần linh ở thời Hùng Vương, hoăc thời Bắc thuộc như Hai Bà Trưng, Lý Bí…; tiếp đến là thời Lý, thời Trần; các vị thần linh liên quan đến thiên thần, nhân thần hay chuyên sâu về từng vị thần được thờ cúng phổ biến ở nhiều làng hoặc số lượng các vị thần khác nhau ở trong cùng một làng… đều có thể là tiêu chí xây dựng cho tập bản đồ thêm phong phú.
Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm cũng như công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội?
- Điều thu hoạch lớn nhất của Hà Nội trong mấy năm vừa qua là cộng đồng ngày càng nhận thức rõ hơn về văn hóa phi vật thể. Cộng đồng chủ động phối hợp với chính quyền gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản. Rõ rệt nhất là di sản hát trống quân ở Phúc Thọ và Phú Xuyên. Từ chỗ không còn mấy người hát, đến nay ở các địa phương này đã thành lập được các câu lạc bộ hát trống quân và thường xuyên biểu diễn. Song, phải thẳng thắn thừa nhận là việc đầu tư bảo tồn cho di sản văn hóa phi vật thể so với di sản vật thể còn có độ vênh lớn. Có lẽ, thời gian tới nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Di sản văn hóa phi vật thể rất quan trọng, giúp người ta tự hào về bản sắc của mình, phân biệt được sự khác biệt dân tộc này với dân tộc khác, địa phương này với địa phương khác, nó làm giàu cho đời sống tinh thần của Nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Linh Anh (kinhtedothi.vn)
Tin khác
- Dấu ấn năm 2018 - Khởi đầu cho các nhiệm vụ và sự kiện lớn trong năm 2019 của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (10/02/2019)
- Ferdinand Magellan, Người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng đường biển (13/02/2016)
- Bảo tồn mộ vua Anh bằng công nghệ 3D (21/10/2013)
- Khám phá những tấm bản đồ làm thay đổi thế giới (20/10/2013)
- Những tấm bản đồ làm thay đổi thế giới (phần 1) (16/10/2013)
- 10 hiện tượng bí ẩn (19/03/2013)