atlat (cg. tập bản đồ)

 


 

Một tập hợp có hệ thống hoàn chỉnh các bản đồ có liên quan hữu cơ với nhau, chỉnh hợp và bổ sung cho nhau, được xây dựng theo một đề cương chung, hợp thành một thể thống nhất. Từ "Atlat" xuất hiện lần đầu tiên trên bìa tập bản đồ của Mecato (1512 - 94). Atlat rất đa dạng: atlat tổng hợp, atlat quốc gia, atlat khu vực; theo nội dung (atlat địa lí phổ thông, atlat địa lí tự nhiên, atlat kinh tế - xã hội, atlat chuyên ngành...); theo mục đích sử dụng (atlat giáo khoa, atlat du lịch, atlat tra cứu khoa học...). Atlat đầu tiên trên thế giới do nhà toán học, thiên văn học, địa lí học người Hi Lạp Ptôlêmê thành lập vào thế kỉ 2. Trên bìa của những tập bản đồ xuất bản lần đầu tiên có vẽ tượng thần Atlat vác quả địa cầu trên vai (Trong thần thoại Hi lạp, Atlat là con của thần Titang Đapê và là anh em ruột với thần Ptôlêmê, người đã đem ngọn lửa cho loài người. Do thần Atlat chống lại Dơt, vị thần chúa tể thế giới, nên đã bị trừng trị phải giơ vai gánh đỡ cả bầu trời). Tất cả các tập bản đồ in sau này tuy bìa không vẽ tượng thần Atlat nữa, nhưng theo thói quen, người ta vẫn gọi chung là Atlat (kể cả một số tập tranh ảnh của các môn khoa học khác như Sinh học, Cơ khí...). Atlat được nhiều quốc gia xuất bản với nhiều chủ đề khác nhau. Tại Anh, đã xuất bản atlat với kích thước 60cm x 47cm, nặng 30 kg,  bao gồm 154 bản đồ lớn, nhỏ kèm theo 800 bức ảnh. Phía dưới mỗi bức tranh là những dòng miêu tả khá chi tiết về địa lí, văn hóa và lịch sử của các quốc gia gắn liền với những địa danh và các sự kiện văn hóa đó. Hiện trên thế giới có khoảng  3000 bản sao tập atlat này được bày bán trong các phòng trưng bày.

Atlat đầu tiên ở Việt Nam là tập Hồng Đức đồ bản (1490).

 

Xt. tập bản đồ.