atlat điện tử
A: electronic atlas
Một tập hợp có hệ thống hoàn chỉnh các bản đồ được thành lập và sử dụng bằng công nghệ số, có liên quan hữu cơ với nhau, chỉnh hợp và bổ sung cho nhau, được xây dựng theo một đề cương chung, hợp thành một thể thống nhất.
Các bản đồ được trực quan hoá và sử dụng trên màn hình, tiếp cận GIS và sử dụng kĩ thuật đa phương tiện, có khả năng phân tích và truy xuất dữ liệu không gian. Atlat điện tử có thể được biên tập để phát hành trên đĩa CD-ROM, DVD-ROM hoặc trên mạng Internet.
Các chức năng tương đối phổ biến của atlat điện tử bao gồm:
1) Cho phép hiển thị theo từng chuyên đề, theo các lớp đối tượng;
2) Cho phép phóng to, thu nhỏ bản đồ và di chuyển hình ảnh bản đồ trên màn hình;
3) Cho phép đo, tính trên bản đồ: tọa độ, khoảng cách, phương hướng, diện tích, khối lượng...;
4) Cho phép thực hiện một số phép chuyển đổi;
5) Cho phép xuất các bản đồ sang dạng khác hoặc in ra giấy.
Một số loại atlat điện tử còn có thêm một số chức năng tương tác ở mức cao hơn như:
1) Hiển thị các thông tin thuộc tính của đối tượng đồ họa;
2) Tìm kiếm các đối tượng theo dấu hiệu nào đó.
Hiện nay, atlat điện tử được nhiều quốc gia xây dựng và phát hành vì những tính năng tiện lợi của atlat và dễ dàng phổ biến thông qua đĩa CD-ROM, mạng Internet.
Hàng năm, hãng Microsof đều phát hành bộ đĩa CD-ROM (hoặc DVD-ROM) Encata, trong đó có hệ thống bản đồ điện tử rất đa dạng và phong phú của toàn thế giới cũng như các khu vực, quốc gia.
Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án GIS quốc gia thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cũ) đã phối hợp với Tổng cục Du lịch phát hành đĩa CD-ROM "Atlas tài nguyên và môi trường Việt Nam". Sau đó, đã có nhiều sản phẩm atlas điện tử được xây dựng như: atlas địa lí Việt Nam, atlas môi trường vùng Đông Bắc Việt Nam, atlas nông nghiệp Việt Nam, atlas tỉnh Đồng Nai, atlat tỉnh Cao Bằng... Hiện nay, atlat điện tử đã được nhiều cơ quan, địa phương xây dựng.