TA:


Trạm cố định trên mặt đất dùng để thu nhận tín hiệu định vị từ vệ tinh, xử lý, truyền thông tin phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ.

Từ cuối năm 2016, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” với mục tiêu hình thành mạng lưới các trạm quan trắc thu liên tục số liệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh GNSS hiện hữu trên thế giới như GPS, GLONASS, Galileo, BeiDou, QZSS… trải trên khắp đất nước.

Trong 2018, Dự án đã hoàn thành xong việc xây dựng và vận hành thử nghiệm 17 trạm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giai đoạn 1 của Dự án sẽ hoàn thành trong tháng 9 năm 2019 với 65 trạm CORS cố định phủ trùm các khu vực trọng yếu bao gồm Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, một số khu vực thuộc các tỉnh Tây nguyên.

 Mạng lưới trạm định vị vệ tinh của Việt Nam nhằm phục vụ xây dựng khung tham chiếu GNSS quốc gia trong hệ tọa độ quốc tế ITRS mới nhất và hệ quy chiếu địa phương truyền thống, có khả năng cung cấp số liệu phục vụ đo GNSS động thời gian thực với độ chính xác 2 cm - 4 cm về tọa độ, 10 cm về độ cao đối với vùng đồng bằng, 20 cm về độ cao đối với vùng núi (phấn đấu đạt khoảng 5 cm ở vùng đồng bằng và 10 cm ở vùng núi khi hoàn thành việc nâng cấp mô hình geoid địa phương trong thời gian tới). Mạng lưới trạm định vị vệ tinh sẽ phục vụ có hiệu quả đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, nghiên cứu khoa học, xác định tốc độ dịch chuyển mảng, dự báo động đất, hỗ trợ cho công tác dự báo thời tiết, nông nghiệp, giao thông, logistics và nhiều ứng dụng khác nhau; đưa các trạm GPS, GNSS rời rạc trên cả nước về cùng một hệ thống thống nhất nhằm tối ưu hoá thiết bị, giảm thiểu kinh phí đầu tư của các lĩnh vực khác. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh của Việt Nam được thiết kế đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xây dựng hệ tọa độ của Việt Nam tham gia vào hệ tọa độ động quốc tế, mạng lưới GNSS trên thế giới.