phân màu

 


 

(cg. tách màu), phương pháp tách màu bằng công nghệ chụp quang cơ hoặc điện tử từ một mẫu màu, để có được từng âm bản hoặc dương bản màu riêng biệt (đỏ, vàng, xanh) với sự hỗ trợ của kính lọc màu.

 

Chụp tách màu đỏ (purple) sử dụng kính lọc màu lục, tia sáng màu đỏ bị kính lọc cản giữ lại, chỉ để tia sáng màu vàng xuyên qua.

 

Chụp tách màu vàng dùng kính lọc màu xanh tím, tia sáng màu vàng bị kính lọc cản giữ lại, chỉ để tia sáng màu xanh và đỏ xuyên qua.

 

Chụp tách màu xanh dùng kính lọc màu đỏ, tia sáng màu xanh bị kính lọc cản giữ lại, chỉ để tia sáng màu vàng và đỏ xuyên qua.

 

Các âm - dương bản tách màu được gia công hoàn chỉnh để truyền sang bản kim loại tạo thành khuôn in. Sau khi in lần lượt đủ các màu lên giấy, sẽ được tờ in hoàn chỉnh có màu sắc tương tự như mẫu ban đầu.

 

Năm 1855, Macxoen chế tạo thành công kính lọc màu.

 

Năm 1871, Mađôc điều chế màng cảm quang từ dung dịch gelatin bạc nitrat.

 

Năm 1873, thể nghiệm chụp tách màu trên kính khô mở ra kỉ nguyên mới cho kĩ thuật phân màu.

 

Năm 1892, phương pháp tách màu được áp dụng để chế tạo bản in ba màu. Những năm 1910 – 1914, chế tạo thành công màng cảm quang 3 lớp nhạy ánh sáng màu toàn sắc, đưa kĩ thuật chụp tách màu bước thêm một bước tiến mới.

 

Hãng Agfa Color và sau đó là hãng Kodak ứng dụng các thành tựu khoa học trên, sản xuất ra hàng loạt phim nhạy sáng màu.

 

Phương pháp chụp tách màu được đưa vào Việt Nam khoảng thập niên 50 - 60 thế kỉ 20 cùng với phương pháp in ôpxet.

 

Ngày nay, phương pháp phân màu quang cơ đã hoàn toàn được thay thế bằng phân màu điện tử. Công nghệ phân màu điện tử sử dụng những phần mềm phân màu chuyên dùng chất lượng cao, với nhiều thiết bị hiện đại.