lưới khống chế trắc địa

 


 

(cg. lưới khống chế đo đạc), hệ thống các điểm được bố trí với mật độ phù hợp trên phạm vi lãnh thổ và đánh dấu mốc vững chắc trên mặt đất, chúng liên kết với nhau tạo thành các mạng lưới. Tiến hành đo đạc các yếu tố cần thiết, xử lí số liệu và tính ra toạ độ, độ cao của các điểm theo một hệ thống toạ độ thống nhất, làm cơ sở cho đo vẽ bản đồ, công trình...

 

Thông thường, các điểm đo đạc cơ sở phải đạt độ chính xác cao nhất trong khả năng công nghệ hiện có, mật độ được xác định phù hợp với các mục tiêu mà hệ thống điểm cơ sở cần phải đáp ứng.

 

Theo quy mô và độ chính xác của mạng lưới trắc địa, có thể chia thành ba loại: lưới khống chế trắc địa quốc gia, lưới khống chế trắc địa khu vực, lưới khống chế đo vẽ.

 

Theo bản chất, lưới khống chế trắc địa được chia thành:

 

1) Lưới khống chế mặt phẳng (nếu các điểm chỉ có toạ độ x, y);

 

2) Lưới khống chế độ cao (nếu các điểm chỉ có độ cao H). Có 2 phương pháp chính để xây dựng lưới khống chế mặt phẳng là: tam giác và đường chuyền.

 

Tuỳ theo quy mô và độ chính xác, lưới khống chế mặt phẳng được chia ra:

 

1) Lưới khống chế mặt phẳng Quốc gia tam giác (hay đường chuyền) hạng I, II, III, IV;

 

2) Lưới khống chế mặt phẳng khu vực giải tích (hay đường chuyền) cấp 1, 2. 3.

 

3) Lưới khống chế đo vẽ đường chuyền kinh vĩ và lưới tam giác nhỏ.

 

Trong đó, lưới có độ chính thấp hơn được xây dựng từ lưới có độ chính xác cao hơn.