In

 


 

(cg. ấn loát), phương tiện kĩ thuật truyền đạt thông tin thị giác, có tính lâu dài và rộng rãi, sử dụng mực in thông qua thiết bị máy in tái hiện nhiều lần trên giấy hoặc các chất liệu khác có thể tiếp nhận được mực in các hình ảnh về văn tự đen trắng hoặc các màu sắc khác.

 

Sản phẩm in thường là sách, báo, bản đồ và các loại ấn phẩm khác. Kĩ thuật in xuất hiện từ thế kỉ 1 thời Đông Hán ở Trung Quốc; đến đời Đường thế kỉ 9, bộ Kinh Kim Cương đã được in bằng bản in khắc khá thuần thục, sau đó đã hình thành nên các trung tâm in khắc ở vùng Tứ Xuyên.

 

Những năm 1041 - 1049, đã sáng tạo ra kĩ thuật in bằng cách ghép con chữ khiến cho nghề in sách thuận tiện và linh hoạt. Triều Tiên là nước đầu tiên đúc tiền và đúc ra các con chữ bằng sắt, đến thế kỉ 13 - 15 đã đúc hơn 10 vạn con chữ.

 

Từ 1435 đến 1450, ở Đức đã xuất hiện con chữ bằng hợp kim chì và loại máy in như máy ép nho làm rượu; đã chế ra được mực in từ chất liệu thực vật. Năm 1455, đã in thành công cuốn "Thánh Kinh 42 dòng " nổi tiếng. Từ đó, kĩ thuật in bằng con chữ được truyền bá rộng rãi ở Châu Âu.

 

Sang thế kỉ 19, các loại máy in và máy đúc chữ được phát minh và phát triển nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm in. Đến 1904, người Mĩ phát minh ra bản in bằng cao su với chất lượng tốt.

 

Cùng với cách mạng khoa học kĩ thuật, công nghệ in đang phát triển nhanh. Hiện nay công nghệ in phổ biến là dùng máy vi tính để trình bày bản gốc và chế bản điện tử. Các máy in màu hiện đại cho chất lượng bản in rất cao và nhanh chóng. Việc truyền bản in còn được thực hiện qua các hệ thống mạng hoặc qua vệ tinh.