đo ảnh

 


 

(cg. trắc địa ảnh), ngành khoa học kĩ thuật trắc địa nghiên cứu các phương pháp chụp ảnh bề mặt Trái Đất và công nghệ đo ảnh để thành lập các loại bản đồ. Trắc địa ảnh được sử dụng rộng rãi trong địa hình học và đo đạc công trình, địa lí, địa chất...

 

Đo ảnh có quan hệ mật thiết với toán học, địa hình học cũng như ngành chế tạo máy và điện tử. Sự phát triển của đo đạc chụp ảnh thế giới có thể chia thành năm giai đoạn chính như sau:

 

1) Giai đoạn hình thành phương pháp đo ảnh (1859 – 1900). Trong giai đoạn này đã thực hiện việc chụp ảnh trên không bằng một máy ảnh đơn giản từ một khinh khí cầu. Phương pháp đo ảnh trong giai đoạn này gọi là phương pháp giao hội ảnh hoặc phương pháp bàn đạc ảnh. Các nhà khoa học Nga đã công bố công trình "Cơ sở hình học của đo đạc chụp ảnh";

 

2) Giai đoạn 1900 – 1914. Đặc trưng của giai đoạn này là sự hình thành phương pháp đo ảnh lập thể với sự ra đời của các máy đo ảnh và máy chụp ảnh chuyên dùng;

 

3) Giai đoạn 1915 – 1930. Đây là giai đoạn hình thành phương pháp đo ảnh hàng không và sự ra đời của máy chụp ảnh hàng không;

 

4) Giai đoạn 1930 – 1945. Đặc trưng của giai đoạn này là việc phát triển các phương pháp chụp ảnh hàng không phục vụ công tác đo vẽ bản đồ địa hình;

 

5) Giai đoạn 1946 – nay. Đặc trưng của giai đoạn này là việc ứng dụng kĩ thuật điện tử và máy tính điện tử vào việc chế tạo các máy móc đo chụp ảnh và các quá trình đo vẽ ảnh.

 

Tại Việt Nam, từ năm 1958 đã tiến hành chụp ảnh điều tra khảo sát rừng. Tuy nhiên, đến năm 1965 mới bắt đầu sử dụng phương pháp đo ảnh hàng không vào việc đo vẽ bản đồ địa hình tỉ lệ cơ bản nhà nước 1:50 000 và 1:25 000 và cũng bắt đầu đào tạo kĩ sư về Trắc địa ảnh.

 

Từ năm 1973, phương pháp đo đạc chụp ảnh mặt đất được áp dụng vào việc đo vẽ bản đồ địa hình tỉ lệ 1:500, 1:2 000 ở các vùng khai thác công nghiệp than, đá, vật liệu xây dựng, xây dựng thủy lợi với trang thiết bị tương đối đồng bộ. Từ những năm 90 của thế kỉ 20, ngành đo ảnh đã nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật và công nghệ tiên tiến của thế giới vào nghiên cứu, sản xuất và đào tạo cán bộ.