vùng biên giới

 


 

Vùng giáp ranh giữa hai nước có chung đường biên giới trên bộ, tại đó quốc gia thực hiện pháp lí riêng biệt theo quy định của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Vùng biên giới bao gồm các bộ phận khác nhau tuỳ theo cấu tạo địa lí tự nhiên của lãnh thổ quốc gia như sông, hồ, biển nội địa, rừng, núi... nằm tại biên giới hoặc gần biên giới quốc gia.

 

Từng quốc gia tự thiết lập vùng biên giới của mình, bao gồm khoảng cách độ dài, chiều rộng tiếp liền đến đường biên giới cùng với các khu vực dân cư nhất định. Từng quốc gia ban hành các văn bản pháp luật riêng hoặc cùng kí kết các điều ước quốc tế để hoàn chỉnh mọi hoạt động trong vùng biên giới, gọi là quy chế pháp lí vùng biên giới. Quy chế này nhằm mục đích giữ gìn an ninh lãnh thổ quốc gia và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên vì lợi ích của đất nước.

 

Quy chế pháp lí vùng biên giới thường bao gồm:

 

1) Chế độ qua lại, cư trú hoạt động ở khu vực biên giới; chế độ sử dụng nguồn nước, sông suối, khai thác tài nguyên vùng biên giới;

 

2) Chế độ hải quan, vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch thực vật;

 

3) Chế độ quản lí, bảo vệ vùng biên giới và biên giới quốc gia;

 

4) Quy chế giải quyết các tranh chấp phát sinh ở khu vực biên giới.

 

Ngoài ra, nếu có tình hình an ninh phức tạp ở khu vực vùng biên giới thì các quốc gia thường ban hành những quy định kiểm soát nghiêm ngặt chế độ đi lại và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trên vùng biên giới.