bản đồ học   


Một lĩnh vực khoa học, kĩ thuật và sản xuất về thành lập, nghiên cứu và sử dụng bản đồ cũng như các tác phẩm bản đồ khác.

Cũng có những giải thích thuật ngữ Bản đồ học như sau: Khoa học về sự phản ánh và nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và xã hội bằng bản đồ như là những mô hình (quan điểm mô hình – nhận thức); khoa học về một dạng bản đồ truyền đạt thông tin (quan điểm truyền thông); Khoa học về ngôn ngữ bản đồ (quan điểm ngôn ngữ); Khoa học về mô hình hóa và nhận thức địa hệ mang tính hệ thống thông tin – bản đồ (quan điểm thông tin địa lí).

Bản đồ học được chia thành các bộ môn: Lí thuyết chung về bản đồ học, toán bản đồ, thiết kế và biên vẽ bản đồ, trình bày bản đồ, in bản đồ, kinh tế và sản xuất bản đồ, sử dụng bản đồ, lịch sử bản đồ học, nguồn tư liệu bản đồ, lưu trữ bản đồ, tin học bản đồ, địa danh học bản đồ. Đặc biệt, còn phân biệt bản đồ học địa lí là một lĩnh vực bản đồ học nghiên cứu sự biểu thị và nghiên cứu địa hệ bằng bản đồ.

Bản đồ học có quan hệ chặt chẽ với nhiều bộ môn khoa học, kĩ thuật và nghệ thuật như triết học, toán học, tin học, trắc địa, các khoa học về Trái Đất, nhiều khoa học xã hội, in, viễn thám, vẽ kĩ thuật và nghệ thuật hội hoạ.

Sơ lược lịch sử phát triển của Bản đồ học

1) Bản đồ học thời kỳ Cổ đại:

Khái niệm về biểu thị bản đồ trên mặt đất cong lên mặt phẳng thuộc công của các nhà bác học Hy Lạp cổ đại. Họ đã xác định được hình dạng (hình cầu), kích thước của Trái Đất  và đã biết chia thành các đường kinh tuyến, vĩ tuyến, thiết lập lưới chiếu bản đồ. Tác giả của công trình này là nhà bác học Eratôxphen 276-194 tCN.

Trong giai đoạn cổ đại, khoảng cuối thế kỷ 1, 2 ở La Mã cổ đại, sự phát triển kến thức về bản đồ đã đạt tới đỉnh cao. Từ năm 90 đến năm 168  (thời kỳ Đế quốc La Mã hưng thịnh), nhà bác học La Mã gốc Ai Cập Klapvơđia Ptôlêmê đã đưa ra những lý thuyết, định nghĩa chính xác về môn bản đồ học, ông đã xây dựng lưới chiếu bản đồ, làm cơ sở thành lập 27 tấm bản đồ thế giới và 26 tấm bản đồ tỉ lệ lớn trên các lục địa: bản đồ các nước, các thành phố, các dãy núi, sông suối... Trong các bản đồ đó, vị trí của các vùng được xác định bằng toạ độ địa lí, phục vụ cho việc nghiên cứu các quốc gia cổ đại thời đó. Đó là một công trình nổi tiếng cho tới tận ngày nay.

2) Bản đồ học thời kỳ Trung đại:

Những nước lớn, phát triển trong thời kỳ này như Trung quốc và vùng Ả Rập được coi là có nền bản đồ học phát triển nhất, nhưng những thành tựu đó lại không có giá trị sử dụng đáng kể trong các giai đoạn phát triển sau này của bản đồ học (trừ sự phát minh ra địa bàn). Khi xã hội vào thời kỳ Phục Hưng, sự giao lưu buôn bán giữa các nước Đông-Tây phát triển, khi đó mới xuất hiện những bản đồ đi biển đầu tiên ở I talia. Đến thế kỷ 15, ở châu Âu đã xuất hiện những tờ bản đồ in (1472). Mặt khác, phát minh của Ptôlêmê, do có tính hệ thống cao và không mang dấu ấn của Tôn giáo nên khi đó đã được dịch ra tiếng Latinh và được phổ biến rộng rãi. Đến cuối thế kỷ 16, trên thế giới đã xuất hiện tới 40 nhà máy in bản đồ. Những phát minh vĩ đại của khoa học bản đồ cũng xuất hiện vào cuối thế kỷ này. Sau đó, sự phát triển của Chủ nghĩa Tư bản đã tạo điều kiện cho Bản đồ học ngày càng phát triển, với mục đích phục vụ cho việc quản lí các vùng đất mới xâm chiếm, giao lưu buôn bán.

Trong giai đoạn này, những công trình nổi tiếng nhất thuộc trường phái Flaman của Regard Mecator (1512-1594). Đã thành lập bản đồ thế giới (1569) trong  lưới chiếu hình trụ đồng góc dùng để đi biển (hải đồ ngày nay) và tập bản đồ mang tên ông. Sự nổi bật ở những công trình này là nội dung thể hiện phong phú, sự thống nhất cao, nguyên tắc toán học chặt chẽ, chất lượng trình bày.

3)  Bản đồ học thời Cận đại:

Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 đã xuất hiện những học viện khoa học nghiên cứu khoa học bản đồ ở Pari (Pháp-1666), Beclin (Đức-1700), Pêtecbua (Nga-1724). Ngành bản đồ học của Nga cũng phát triển mạnh vào thế kỷ 16, do vua Pitơ Đệ nhất chủ trương mở rộng quan hệ với các quốc gia phát triển đương đại. Đến thế kỷ 17, những thành tựu khoa học bản đồ thuộc về nhà trắc địa người Pháp Xzareme Cassini. Ông đã đề ra phép đo lưới tam giác, xây dựng hệ thống điểm khống chế để thiết lập bản đồ  (theo kết quả tính toán thiên văn, địa lí và hình dạng, kích thước trái đất). Phát minh này giúp tăng mức độ chính xác của bản đồ, cho phép thu nhỏ bản đồ về các tỉ lệ mong muốn. Đầu thế kỷ 19, Bản đồ học cũng bắt đầu phát triển do những đòi hỏi về nâng cao chất lượng cũng như  nội dung của bản đồ, đã xuất hiện phương pháp biểu thị dáng đất bằng đường bình độ. 
Đồng thời, nhà toán học Gauxơ (người Đức) đã thiết lập phép chiếu bản đồ mới, tìm ra các điều kiện toán học trong các phép chiếu (đồng góc, đồng diện tích..).

4) Hiện nay:

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học khác như: ảnh, sóng điện tử, máy tính điện tử, quang học, tia laze, nghiên cứu vũ trụ... ngành bản đồ học đã phát triển hết sức mạnh mẽ, có những bước nhảy vọt, thay đổi về chất, các sản phẩm bản đồ vô cùng đa dạng, với những thông tin phong phú và những tiện ích đặc biệt. Những năm đầu của thế kỷ 21, Bản đồ học đã có chỗ đứng vững chắc trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của mọi quốc gia trên thế giới.

Các công nghệ tiên tiến  đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành đo đạc và bản đồ: định vị vệ tinh, bản đồ số, hệ thống thông tin địa lí... Vì vậy, các sản phẩm của ngành đo đạc và bản đồ đã trở thành công cụ quan trọng trong công tác quản lí lãnh thổ, các hoạt động kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia.