bản đồ hàng hải   


Một loại bản đồ biển (theo phân loại của Việt Nam), được thành lập chủ yếu phục vụ cho các hoạt động của hải quân và ngành giao thông đường thuỷ trên biển.

Theo kết qủa đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu thành lập bản đồ địa hình đáy biển” do TS. Nguyễn Công Cường làm chủ nhiệm, bản đồ hàng hải được chia làm bốn loại:

1) Bản đồ tổng thể (tổng đồ), được thành lập ở tỉ lệ từ 1:1 000 000 đến 1:5 000 000 dùng để nghiên cứu tổng thể điều kiện hải văn, hàng hải cho mục đích giao thông hàng hải;

2) Bản đồ đường đi, được thành lập ở tỉ lệ từ 1:100 000 đến 1:500 000, dùng để dẫn tàu dọc theo bờ biển ở những nơi xa bờ đôi khi không nhìn thấy bờ biển;

3) Bản đồ riêng biệt, được thành lập ở tỉ lệ 1:25 000 đến 1:50 000, dùng để đảm bảo cho việc dẫn tàu ở những vùng có điều kiện hàng hải phức tạp, những nơi gần bờ biển, ở cảng, ở các vịnh, ở những nơi ra vào của kênh biển;

4) Bình đồ, được thành lập ở tỉ lệ từ 1:500 đến 1:10 000, dùng để đưa tàu vào cảng, cầu cảng, chỗ neo tàu, thiết kế các công trình, lắp đặt thiết bị đo sóng, các công việc đo độ sâu.

Các phần tử nội dung chính của bản đồ hàng hải gồm: địa hình đáy biển được thể hiện bằng hệ thống đường đẳng sâu và các điểm độ sâu, hình dáng và tính chất của bờ biển, địa hình và các địa vật dễ định hướng trên bờ, các tuyến đường biển, các vật cản nguy hiểm cho tàu (bãi nông, đá ngầm, đá nổi, san hô...), chất đáy (bùn, cát, đá...), tình huống hoa tiêu (đèn biển, phao tiêu...), tài liệu về độ lệch từ thiên, các đặc trưng hải văn (hải lưu, thuỷ triều...) cũng như mạng lưới toạ độ chuyên dụng.

Đặc trưng chủ yếu của bản đồ hàng hải là thường sử dụng phép chiếu Meccato, bảo đảm đường tà hành là đường thẳng